Thứ hai 08/07/2024 20:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: “Ách tắc” vốn đầu tư công do chậm giải phóng mặt bằng và tái định cư

19:43 | 05/07/2024

(Xây dựng) - Những khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân là nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Đồng Nai còn chậm trễ, chưa đạt mục tiêu trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đồng Nai: “Ách tắc” vốn đầu tư công do chậm giải phóng mặt bằng và tái định cư
Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, nghe báo cáo về tiến độ dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Đâu là nguyên nhân?

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công được bố trí trên toàn tỉnh là hơn 15.700 tỷ đồng, trong đó số vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm đạt khoảng hơn 6.000 tỷ đồng (tăng khoảng 25% so với năm 2023).

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 7/2024), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 11% so kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước và chậm so với các tỉnh ở miền Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại Đồng Nai dù đã có nhiều chuyển biến nhưng kết quả đạt được chưa cao; một số dự án đầu tư công, dự án trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh tiếp tục chậm tiến độ, các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai.

Vậy đâu là nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn vướng mắc làm chậm giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Đồng Nai?

Ngày 4/7/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 16 (khóa XI) nhiều đại biểu tham dự đã đưa nội dung giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh ra thảo luận, “mổ xẻ” nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Huy Du, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thống Nhất cho biết, hiện tại huyện này đang gặp phải tình trạng khó khăn chung là chậm giải ngân vốn đầu tư công do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đến nay, huyện Thống Nhất mới chỉ giải ngân nguồn vốn của tỉnh đạt 13% so với dự toán, còn nguồn vốn của huyện mới chỉ đạt 29%. Những khó khăn dẫn đến giải ngân chậm là ở công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc.

Ông Huy cho biết thêm, trên thực tế tại huyện Thống Nhất, dù dự án thuộc diện đầu tư của Trung ương hay của tỉnh Đồng Nai thì đều giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện này kiểm đếm và bồi thường, trong khi nguồn nhân lực hạn chế cả số lượng lẫn năng lực so với khối lượng công việc cần giải quyết. Đây là lý do làm cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm trễ kéo theo việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm.

Nhiều lý do chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được các đại biểu đưa ra “mổ xẻ”, thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 16 (ngày 4/7) và tại nhiều cuộc họp, hội nghị liên quan trước đó.

Phần lớn ý kiến từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án gặp vướng mắc, chậm trễ. Điều này xuất phát từ việc thiếu nhân sự và năng lực cán bộ tại địa phương có dự án đi qua. Từ đó làm chậm thời gian xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến việc chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Điển hình, nhìn lại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai vừa bị Thủ tướng Chính phủ phê bình quá chậm đều có lý do từ sự điều hành, dự báo. Theo quy định, muốn thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải có tái định cư cho dân nhưng nhiều năm qua, Đồng Nai chưa dự liệu, dự báo, tính toán hợp lý dự án nhà tái định cư cho dân dù trên giấy tờ chính quyền thừa biết ở địa bàn quy hoạch rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia.

Điều này đã kéo theo những trì trệ trong giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ ở nhiều dự án khi chưa lo được chỗ tái định cư cho dân ở từng dự án cần di dời dân.

Cụ thể, như thành phố Biên Hòa bắt tay vào đền bù làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn loay hoay “câu chuyện tái định cư” cho dân đã dẫn đến lúng túng, làm cho tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng quá chậm.

Cạnh đó, hậu quả của việc quản lý đất đai từ chính quyền cơ sở, để xảy ra xây nhà trên đất nông nghiệp, mua bán qua nhiều đời nên xác minh nguồn gốc đất, quy chủ... càng mất thêm nhiều thời gian.

Cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp

Bàn về giải pháp bồi thường giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ông Nguyễn Huy Du, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng, cần phải tăng cường nhân lực và năng lực cho cán bộ làm công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở các địa phương nơi có dự án đi qua.

Mặt khác, khi có chủ trương dự án, phải nghĩ ngay đến “câu chuyện tái định cư”, bởi đây là câu chuyện trước sau cũng phải làm, nếu không làm ngay thì người dân không an tâm, Nhà nước khó thu hồi đất, kéo dài thêm thời gian sẽ mất đi cơ hội phát triển.

Đồng Nai: “Ách tắc” vốn đầu tư công do chậm giải phóng mặt bằng và tái định cư
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tại một cuộc họp bàn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một dự án trọng điểm trên địa bàn. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, công tác quản lý quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng đất đai, xây dựng… trên địa bàn tỉnh này trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có những chuyển biến nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, theo ông Bảo, 6 tháng cuối năm 2024, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng công trình còn niên hạn, mới đưa vào sử dụng nhưng lại xuống cấp, không thể sử dụng được.

Ông Dương Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Long Thành trăn trở, vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng từ năm 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai cần 40.000 tỷ đồng được xác định từ nguồn đấu giá đất, nhưng từ năm 2021 đến nay, chưa đấu giá được mảnh đất nào. Vì vậy, câu hỏi nguồn lực ở đâu để đầu tư cần phải tìm lời giải. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhưng lại chưa có đột phá. Do đó, ông Dũng cho rằng, phải có giải pháp quyết liệt hơn đối với công tác cải cách hành chính cùng với chuyển đổi số và công tác cán bộ, nhất là tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khiến hồ sơ cứ đi lòng vòng.

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai sẽ quyết liệt hơn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, xử lý vướng mắc từng khâu, từng bước từ lúc lập chủ trương đầu tư, hồ sơ dự án đến giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng và Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024; xây dựng lại quy trình theo hướng rút gọn; rà soát và tổ chức lại bộ máy từ tỉnh đến huyện để bổ sung đảm đương nhiệm vụ được giao.

Các địa phương của Đồng Nai cần tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng các khu tái định cư giai đoạn 2024-2025, đảm bảo “trả hết nợ” tái định cư hiện nay tại các địa phương. Đồng thời có thống kê, dự báo số tái định cư cần triển khai giai đoạn 2026 - 2030 để chủ động triển khai thực hiện.

Tập trung triển khai các giải pháp khả thi, hiệu quả, hoàn thiện các thủ tục để đấu giá các khu đất theo kế hoạch trong năm 2024. Đồng thời rà soát các khu đất 280ha tại xã Bình Sơn (giáp ranh khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn), khu đất hơn 30ha tại xã Long Đức (giáp ranh xã Long Đức), khu dân cư Lộc Thịnh khoảng 75ha (mũi tàu thị trấn Long Thành) để đấu giá đầu năm 2025, nhằm tạo nguồn thu bù đắp thiếu hụt đã đề ra 45.000 tỷ đồng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng lại toàn bộ đề án đấu giá đất của tỉnh từ nay đến năm 2030 để trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xem xét. Hoàn thành xây dựng quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó quy định chi tiết các bước, đơn vị chịu trách nhiệm, thời gian hoàn thành để công khai, minh bạch nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh triển khai các dự án giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án trọng điểm khác.

Nguyễn Đức

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Tĩnh: Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4 cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

    (Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 582 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  • Thanh Hóa: Khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

    (Xây dựng) - Sáng 8/7, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo kỳ họp.

  • Nghiên cứu chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn làm nhà ở

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất chính sách phù hợp đối với nội dung đề nghị của UBND tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tiếp theo về chính sách vay vốn làm nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

  • Hà Nội: Rào chắn gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh để thi công

    (Xây dựng) - Gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh được rào chắn, phân luồng, tổ chức giao thông để phục vụ công tác gia cố nền đất, đào và thi công kết cấu của dốc hạ ngầm thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.

  • Phú Lương (Thái Nguyên): Đề nghị bổ sung quy hoạch xây dựng dự án sản xuất gỗ tại xã Vô Tranh

    (Xây dựng) – Qua kiểm tra, đánh giá thực tế và ý kiến của các Phòng, Ban, đơn vị chuyên môn thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên về vị trí thực hiện dự án trụ sở làm việc, kinh doanh và xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại lâm sản Hưng Thịnh Phát, UBND huyện đề nghị bổ sung quy hoạch dự án vào quy hoạch xây dựng xã Vô Tranh.

  • Bài 3: Đô thị di sản trong thời kỳ đổi mới

    (Xây dựng) – Sau hơn một năm chính thức trở thành thị xã, Thuận Thành đang từng bước khẳng định vị thế là một đô thị di sản năng động của tỉnh Bắc Ninh. Với những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và quy hoạch phân khu, Thuận Thành đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load