Thứ bảy 27/04/2024 06:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Hới, quen mà lạ

15:12 | 28/04/2020

(Xây dựng) - Bạn gửi tôi tấm hình chụp Đồng Hới lúc hoàng hôn từ trên cao kèm lời nhắn: Đẹp không? Đẹp, rất đẹp! Con đường xanh màu cây, thông thoáng xe cộ, nhà cao tầng san sát, lặng lẽ trong ánh chiều hồng. Thành phố khoảnh khắc ấy bình yên quá! Tôi cố nhớ xem đoạn đường ấy ở góc nào, mình từng đến chưa. Có lẽ bạn không biết rằng tôi đã tự xấu hổ vì chậm trễ trong việc nhận ra đó chính là đoạn cầu Thuận Lý (cầu vượt) cạnh chợ Ga. Con đường ấy vốn rất thân quen. Cảm giác mỗi lần đạp xe đi, về cầu vượt tôi vẫn không quên cho dù mười mấy năm trôi qua. Vậy mà hôm nay, tôi có chút xa lạ, ngỡ ngàng với nó. Vì lâu rồi tôi chưa qua đó, hoặc có đi qua cũng vội vàng, hờ hững hay vì phố đã đổi thay nhiều!

dong hoi quen ma la

Thời gian sống ở Đồng Hới của tôi không nhiều nhưng đó là những ký ức sâu đậm nhất, ý nghĩa nhất. Tôi từ huyện vào thành phố trọ học cấp 3. Nếu không nói đến quãng thời gian đầu khá khó khăn trong việc làm quen môi trường mới thì những năm tháng học trò thực sự tươi vui. Ngôi trường khang trang, kiêu hãnh giữa đồng đất mênh mông đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Tôi cùng bạn ngày ngày đạp xe vượt cầu Thuận Lý đến trường. Những buổi sớm mai trong trẻo, đầy năng lượng, dốc cầu không làm khó chúng tôi. Lúc đi xuống, xe lăn băng băng, gió phả mát tươi, lòng nhẹ nhõm, thơ thới. Hôm nào đi học sớm, tôi cũng dừng xe, tựa vào lan can cầu và ngắm nhìn xung quanh. Mặt trời vừa lên, sân ga lác đác người, những đường tàu hỏa đan bện vào nhau rồi nhập thành một đường dài tít tắp. Khi đó, tôi hay nghĩ về tương lai. Chúng tôi rồi sẽ như những chuyến tàu, vào Nam ra Bắc sau khi rời ghế nhà trường. Ở vị trí ấy, tôi cũng dễ dàng hái được chùm hoa bàng, gỡ những sao trắng li ti, đặt vào lòng bàn tay và thổi bay chúng trong niềm thích thú. Lá cây cọ cựa vào thành cầu như bày tỏ sự hân hoan khi chạm đến tự do ở một vùng trời rộng. Thân cây cao, thẳng, nhẫn nại vươn lên và rễ thì vẫn kiên cường bám trụ nơi khoảng hẹp dưới mặt đất. Tôi không biết cầu vượt này có mấy nhịp. Nhưng tôi biết, nó là mái nhà của một số người. Có gia đình thu mua phế liệu, quây chắn một góc làm nơi tập kết hàng và sinh hoạt. Sáng nào, người đàn ông cũng vừa đánh răng vừa gằn giọng quát trong tiếng khóc thét của trẻ con. Sát chân cầu là nơi tá túc của một gia đình hành khất nói giọng miền ngoài. Tôi có một người bạn học, ở xóm ga. Đi theo con đường nhỏ nép bên chân cầu Thuận Lý là đến nhà nó. Một thời, đó là điểm tụ họp lý tưởng của chúng tôi.

Đặc sản Quảng Bình là nắng và gió Lào. Những trưa tan học, đạp xe dưới cái nắng bỏng rãy đã thấy cơ cực, nhìn cầu vượt sững sựng trước mặt, càng thấm thía hơn nỗi vất vả của hành trình chữ nghĩa. Dốc về dài hơn dốc đi. Gió bạt, gió xô trong lúc đói, mệt nên chỉ có thể xuống xe, nhọc nhằn đẩy. Rồi những tháng ngày ấy cũng qua, cũng xa. Đôi khi tôi vẩn vơ nghĩ: hay là lúc nào về Đồng Hới, mượn ai đó chiếc xe, đạp lên cầu vượt để tìm lại ngày xưa. Ý nghĩ đó lặp lại mấy lần nhưng chưa khi nào thực hiện. Thời gian trôi, điều đó lại càng không khả thi.

Tôi chưa đi hết những con phố ở Đồng Hới. Tên đường thì lúc nhớ, lúc không. Thời đi học, chỉ biết một vài khu vực hay lui tới. Đó là biển Nhật Lệ, là công viên Đồng Mỹ có di tích Nhà thờ Tam Tòa, là “đồi gió hú ” ở Hải Thành… và một số quán ăn vặt mà hầu như đứa học trò cấp 3 nào cũng đã ghé. Biển là chốn “hẹn hò” cố định của lớp tôi từ những ngày còn đi học đến tận bây giờ. Nhật Lệ đẹp nhất vào khi trăng tròn. Doi cát Bảo Ninh le ra phía cửa biển như động thái giả vờ chia cắt mặt nước lấp lánh, mênh mang và tuyệt mỹ của hóa công. Những đêm đốt lửa, những tiếng cười giòn tan, những dòng nước mắt có vị của biển… đã trở thành thương nhớ khôn nguôi mỗi khi lòng tôi hoang vắng, chông chênh.

Rồi xa Đồng Hới. Bốn năm đại học, mỗi lần từ Huế về nhà, ngang qua thành phố, tôi lại nôn nao, run rẩy mừng tủi chẳng khác nào phút gặp người thương sau những ngày cách biệt. Hình như cũng từ thuở đó, tôi đã thấy Đồng Hới bắt đầu chật chội hơn, vội vã hơn nhưng cũng hiện đại và hào nhoáng hơn.

Tôi lấy chồng người Đồng Hới. Kỷ niệm tình yêu của chúng tôi có những mảng màu buồn - vui Đồng Hới. Hôm về nhà chồng, thành phố đón tôi bằng cơn mưa tháng mười tầm tã. Nhưng lòng lúc ấy chỉ có hạnh phúc. Suốt tuần đi làm, cuối tuần, tôi lại tất tả đón xe vào nội. Quãng đường hơn bốn mươi cây số dằng dặc suy tư của cô dâu mới. Cuộc sống có nhiều thay biến động khi tôi chuyển vào thành phố. Đồng Hới biết cùng tôi những chiều u ám không muốn mở lời, biết những buổi lang thang, nhìn di tích Lũy Thầy rêu phong cỏ mọc mà thấy mình sao cỗi cằn, rã rệu. Chắc thành phố chẳng lạ tính tình ẩm ương của tôi, nên tặng những ngày trời xanh vợi, nắng óng chuốt, gió lồng lộng gieo niềm vui trong trẻo.

Rồi xa Đồng Hới. Gia đình tôi chuyển vào Nam. Ba mẹ và em chồng vẫn ở đó. Một năm hai dịp hè - tết, chúng tôi về. Không đi hết Đồng Hới, không gặp hết người quen, con đường cầu vượt hiếm hoi lắm mới ngang qua khi có việc cần... Vì vậy mà lần nào cũng lưu luyến, nuối tiếc. Chưa xa đã nhớ thật nhiều. Trường xưa giờ chẳng còn trơ trọi. Những tòa nhà cơ quan cao tầng dựng lên, che chắn tứ phía. Nghe đâu, ở khu vực đó sẽ có một công viên. Đồng Hới đổi thay từng ngày. Nhưng đến mùa, bằng lăng vẫn tím mộng mơ. Đến mùa, hoa sữa vẫn nồng nàn hương yêu. Đến mùa, trăng vẫn trải mình trên biển. Có lần, bạn kêu ca: đi trên đường Lý Thường Kiệt, suýt ngất vì mùi hoa sữa. Rồi bạn cười khi tôi hồi đáp: Trong đây, thèm hoa sữa đến khờ khạo luôn.

Đồng Hới, là nơi ra đi và cũng là chốn trở về. Quen - lạ, lạ - quen làm nên một Đồng Hới luôn xao xuyến trong tim tôi.

Hoàng Đào Ngọc Trinh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load