(Xây dựng) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang triển khai 9 dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư xây dựng 106 nghìn tỷ đồng. Nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng đầu tư xây dựng hạ tẩng này sẽ mở ra triển vọng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay thị trường khu vực ĐBSCL vẫn còn trầm lắng.
![]() |
Khu nhà ở Nam Long giai đoạn 2 tại thành phố Cần Thơ. |
Đường lớn đã mở
Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho rằng, chưa bao giờ ĐBSCL đầu tư công, chính sách hạ tầng được quan tâm, giải ngân mạnh như thời gian qua. Khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho biết: “Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, giúp kết nối vùng thuận lợi và nâng cao giá trị bất động sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần trực tiếp khảo sát, làm việc tháo gỡ những khó khăn như thiếu vật liệu xây dựng, cơ chế nguồn vốn,… để hướng tới mục tiêu 600km cho vùng Tây Nam bộ. Những dự án đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Rạch Miễu 2, cầu Cần Thơ 2…”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “xuyên lễ xuyên Tết” xây dựng công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ - Sóc Trăng… Tại buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Cần Thơ cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là phát triển cả 5 phương thức giao thông vận tải (đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa), phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc và trên 1.000km đường ven biển, trong đó khu vực ĐBSCL phải phấn đấu hoàn thành 400-500km đường cao tốc…”.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các đề án lớn về phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững như các dự án chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; đào tạo nhân lực; triển khai Dự án Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản; triển khai các dự án lớn về phát triển hạ tầng giao thông cả về đường bộ cao tốc, các cảng hàng không, cảng biển lớn, đường thủy nội địa và đường sắt. Trong đó, về đường sắt, Thủ tướng cho biết cùng với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ và kéo dài xuống tận Cà Mau.
Đường cao tốc đã hoàn thành từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ rút ngắn thời gian di chuyển từ 3,30 - 4 giờ xuống còn 2,30 - 3 giờ. Tương lai gần, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hoàn thành nữa thì “xe ta bon bon trên dặm đường dài”... mở ra chân trời mới cho ĐBSCL.
Nhưng vì sao thị trường bất động sản chưa tăng tốc?
Thông tin từ các Sở Xây dựng và chuyên gia bất động sản cho biết, mặc dù những năm qua, khu vực ĐBSCL được “trả nợ” tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng thị trường bất động sản khu vực này vẫn trầm lắng. Hiện nay, thị trường bất động sản các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập. Tại thành phố Cần Thơ, trung tâm ĐBSCL nhưng năm qua không có dự án đầu tư bất động sản mới được trao chủ trương đầu tư mà có nhiều dự án bất động sản đang gặp các khó khăn cần tháo gỡ.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ kiến nghị, đề xuất với chính quyền thành phố Cần Thơ, quận, huyện: Quan tâm, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản trên địa bàn, như: Hỗ trợ các chủ đầu tư dự án trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất nhanh chóng để đảm bảo tiến độ dự án theo đúng quy định; Triển khai các dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn đảm bảo đúng tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, bàn giao khách hàng đúng quy định…
Tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Thành phố quan tâm, nghiêm túc ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ để nghiên cứu giải quyết, tháo gỡ các kiến nghị của Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ đã có nhiều văn bản hỏi ý kiến các Bộ, ngành, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… và hứa sẽ quyết tâm tháo gỡ những dự án bất động sản gặp khó. Hiện Cần Thơ còn 17 dự án cần đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy để xin chủ trương. Hiện nay, UBND thành phố đã tập hợp tất cả các hồ sơ, báo cáo cụ thể từng dự án, có đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy. Khi có chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ để các doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn.
Về việc xác định, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho đây là vấn đề rất nhạy cảm. Vừa qua, thành phố Cần Thơ đã định giá để thu tiền sử dụng đất 2 dự án. Trong quý I này, thành phố sẽ tiếp tục thu tiền sử dụng đất của một số dự án. Thành phố quyết tâm năm nay cơ bản thu tiền sử dụng đất tất cả các khu đất đã có quyết định giao đất.
Sở Xây dựng An Giang công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2024, đã chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh hơn 1.417 tỷ đồng với 1.033 giao dịch… Trong năm qua, không phát sinh số liệu dự án phát triển nhà ở thương mại được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ có 104 sản phẩm đủ điều kiện bán theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (thuộc dự án Khu đô thị mới Tây sông Hậu giai đoạn 2, đoạn từ rạch Tầm Bót đến phà An Hòa). Sản phẩm chủ yếu vẫn là các dự án kinh doanh bất động sản theo hình thức phân lô bán nền hoặc xây nhà để bán, riêng các dự án du lịch – nghỉ dưỡng, văn phòng trong thời gian qua chưa được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện.
Theo Sở Xây dựng An Giang, hiện tại, một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Xác định nghĩa vụ tài chính, thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng… Về nguồn vốn do tình hình thị trường bất động sản chưa phục hồi nên các chủ đầu tư chưa mạnh dạn triển khai đầu tư phần 20% diện tích đất nhà ở xã hội nên chưa đăng ký và vay vốn của Chương trình 120.000 tỷ. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội có điều chỉnh tăng. Điều này ảnh hưởng tiến độ mở bán một số dự án nhà ở xã hội hoàn thành của các doanh nghiệp so với điều tra ban đầu về nhu cầu nhà ở xã hội; kéo theo một số doanh nghiệp chậm triển khai hoặc kéo dãn tiến độ đầu tư nhà ở xã hội.
Theo số liệu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2024 tại các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ: Lượng cung 8.257 căn/nền giảm 10% so với năm 2023; giao dịch thành công 2.775 căn/nền tăng 70% so với năm 2023; mở bán 2 nghìn sản phẩm đất nền, chủ yếu là hàng tồn kho tiếp tục mở bán, giảm 30% so với năm 2023…
Điều đó cho thấy thị trường bất động sản miền Tây Nam bộ vẫn còn nhiều vướng mắc nhất là trong thời gian dài vừa qua gặp những bất cập về quyền sử dụng đất, xác định giá đất, pháp lý các dự án đầu tư… Điều đó làm thị trường bất động sản không thể tăng tốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản thì thị trường miền Tây Nam bộ còn nhiều dư địa phát triển. TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lạc quan dự báo: “Hạ tầng miền Tây Nam bộ nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng và phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Kết quả phục hồi và phát triển chung của thị trường bất động sản. Quyết tâm thúc đẩy sự phát triển bền vững thị trường bất động sản của Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành. Bản chất thị trường “mới”, chưa trải qua các “cơn sốt”, còn nhiều dư địa để phát triển.
![]() |
Khu phức hợp nhà ở thương mại - dịch vụ tại thành phố Long Xuyên do T&T Group đầu tư. |
Tây Nam bộ sẽ là "điểm đến" của nhu cầu nhà ở và dòng tiền đầu tư dịch chuyển ra khỏi các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Nguồn cung cải thiện, ước tính năm 2025 đạt hơn 20.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại thành phố Cần Thơ, Long An… Giá bán tiếp tục có sự phân hóa. Thanh khoản và mức giá tiếp tục cải thiện tại sản phẩm đất nền đã tách thửa, có sổ và ở các sản phẩm có khả năng khai thác tạo dòng tiền như căn hộ, nhà phố.
Xu hướng phát triển các dự án nhà ở cao cấp, chú trọng vào yếu tố bền vững, tích hợp công nghệ trong quản lý và vận hành. Các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, phát triển bởi doanh nghiệp uy tín sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến yếu tố pháp lý và tiềm năng thực sự của dự án…”.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, các tỉnh, thành có nhiều triển vọng như: Cần Thơ sẽ tăng tốc để xứng tầm một thành phố Trung ương. Thị trường bất động sản Cần Thơ sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng/nhà đầu tư. Thông tin tích cực về quy hoạch, hạ tầng, nhất là thông tin triển khai các khu công nghiệp, khu đô thị nghỉ dưỡng, góp phần kích cầu mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Cần Thơ.
Nhu cầu ở thực tăng trưởng đa dạng, nhất là phân khúc chung cư cao cấp nhờ nhu cầu của người trẻ và chuyên gia tăng lên cùng sự phát triển kinh tế và sự mở rộng của các khu công nghiệp. Các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, An Giang thu hút dòng tiền đầu tư vào đất nền, các sản phẩm nhà ở, nhất là ở những khu vực gần các tuyến cao tốc, các dự án khu công nghiệp. Phú Quốc vẫn là điểm nóng của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhưng các khu vực như Hà Tiên và Nam Du cũng được chú ý nhiều hơn nhờ tiềm năng phát triển du lịch.
Huỳnh Biển
Theo