Thứ năm 25/04/2024 05:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển hạ tầng đáp ứng kinh tế - xã hội bền vững

21:07 | 08/06/2023

(Xây dựng) – Hệ thống hạ tầng kỹ thuật có vai trò rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị. Chính vì thế, Vùng ĐBSCL cần phải tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị để hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển hạ tầng đáp ứng kinh tế - xã hội bền vững
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung còn yếu, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết.

Hạ tầng kỹ thuật trong vùng còn thiếu đồng bộ

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước như Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành các Kế hoạch hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Trong đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế - xã hội tại các đô thị. Trong thời gian vừa qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Vùng ĐBSCL đã được các cấp chú ý đầu tư xây dựng, góp phần rất lớn đối với sự phát triển của các đô thị trong vùng.

Tính đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới đô thị Vùng ĐBSCL. Dân số đô thị toàn vùng khoảng 17,5 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của toàn vùng năm 2022 là 31,8%, thấp hơn so với trung bình của cả nước là 41,7%. Tính đến tháng 5/2023, toàn vùng có 211 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 2 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho và Long Xuyên.

Về công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực Vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và 5 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp nước, quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; quy hoạch thoát nước; các định hướng chiến lược, chương trình phát triển đô thị. Các địa phương cũng đã ban hành 26 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở cho phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Về giao thông, các dự án hạ tầng giao thông cấp vùng, các hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn được đầu tư, hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng, vừa liên kết với TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Bên cạnh đó, các địa phương Vùng ĐBSCL còn đạt được nhiều thành tích lớn về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Theo báo cáo của các địa phương, tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị và khu công nghiệp trong vùng đạt khoảng 1,7 triệu m3/ngđ, công suất khai thác 1,485 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 96,1%, cao hơn tỷ lệ cấp nước sạch đô thị bình quân của cả nước khoảng 94%.

Mạng lưới thoát nước đô thị xây dựng qua nhiều thời kỳ ở các khu vực đô thị mới tương đối tốt. Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trong vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Một số tỉnh thành đã và đang đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn ODA như Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp...

Mặc dù đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Vùng ĐBSCL nói chung còn yếu, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tính liên kết vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các dự án hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải còn thiếu, chậm được triển khai xây dựng, chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư như mong muốn ban đầu và đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển hạ tầng đáp ứng kinh tế - xã hội bền vững
Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú ý đến quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách là yếu tố tiên quyết

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới và cả nước biến động khó lường, cùng với các yếu tố đặc thù về khí hậu, địa chất... việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị ở ĐBSCL sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn trong thời gian tới.

Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu mở rộng đất đô thị lớn, đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu cơ sở lý luận, phương pháp luận đổi mới về quy hoạch và phát triển đô thị còn chưa đáp ứng kịp thời. Thứ hai, hệ thống giao thông trong vùng hiện đang được đầu tư phát triển. Đây là yếu tố thuận lợi tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng thách thức các địa phương phải có sự chuẩn bị về phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, tạo sự đồng bộ để quá trình phát triển được hài hòa và bền vững.

Thứ ba, Vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, nhưng công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản và thiên tai còn hạn chế. Thứ tư, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững của khu vực rất lớn, trong khi các nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Việc phân bổ vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng còn dàn trải và thiếu đồng bộ. Thứ năm, công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng chưa được thực hiện kịp thời, đúng mức, làm hạn chế hiệu quả tổng thể của toàn bộ công trình.

Để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Vùng ĐBSCL hiệu quả hơn, Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng có đưa ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.

Về công tác quy hoạch, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong Vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú ý đến quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng, liên vùng và hạ tầng các đô thị; tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; cân đối nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn; thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch trong vùng; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch, ứng dụng các mô hình thoát nước và xử lý nước thải đô thị và nông thôn phù hợp với khu vực theo định hướng phát triển bền vững; nghiên cứu, thực hiện các mô hình và quy trình xử lý chất thải rắn phù hợp với khu vực; nghiên cứu, thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, chống thất thoát, lãng phí.

Tạ Quang Vinh
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load