Thứ năm 14/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều địa phương công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở

14:38 | 27/10/2023

(Xây dựng) - Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung 4.000 tỷ đồng vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều địa phương công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở
Bờ sông ở Bến Tre bị sạt lở.

Cảnh báo sạt lở bờ sông

“Đến hẹn lại lên”, vào mùa mưa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Để bảo đảm tính mạng của người dân, một số tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tại sạt lở, ngày 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở tuyến đường ôtô từ xã Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Lúc 3 giờ ngày 07/7, tuyến đường ôtô về trung tâm xã Nguyễn Huân bị sạt lở hoàn toàn nền, mặt đường dài khoảng 110m (cách UBND xã Tân Tiến về hướng xã Nguyễn Huân khoảng 1,5km). Vụ sạt lở khiến các phương tiện giao thông không đi được, chính quyền địa phương phải huy động phà đưa người, xe mô tô qua khu vực sạt lở; đồng thời ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai sản xuất của nhiều hộ dân trên tuyến đường này. Qua khảo sát, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cảnh báo, tuyến đường trên có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở thêm 3 đoạn, với chiều dài khoảng 1.000m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa của 36 hộ, 121 nhân khẩu; địa bàn xã Nguyễn Huân ảnh hưởng 4.083 hộ, hơn 18.000 nhân khẩu; một phần thuộc ấp Thuận Thành (xã Tân Tiến) với 214 hộ, 743 nhân khẩu...

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phối hợp với chính quyền huyện Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn và hỗ trợ chuyên môn trong việc xây dựng phương án gia cố bờ sông chống sạt lở, đề xuất biện pháp ứng phó, khắc phục sạt lở, cũng như tổ chức triển khai các biện pháp cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp tuyến đường ôtô từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân. Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Đầm Dơi về chuyên môn trong xây dựng nền mặt đường tạm tại vị trí sạt lở. Chính quyền huyện Đầm Dơi được giao tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư công trình, dự án phòng, chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp đối với tuyến đường nêu trên, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Về giải pháp xây dựng công trình khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Đầm Dơi tạm thời gia cố bờ sông chống sạt lở và làm nền mặt đường tạm để đảm bảo thông tuyến, đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân trong thời gian chờ triển khai thực hiện dự án tuyến đường tránh tại khu vực sạt lở. Đồng thời, khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường tránh tại vị trí sạt lở trên tuyến đường ôtô từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong tháng 11/2023. Trong 9 tháng đầu năm 2023, khoảng 50% trong hơn 130 số vụ sạt lở đất xảy ra trên địa bàn huyện Đầm Dơi gây thiệt hại về đường sá, hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều địa phương công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở
110m tuyến đường về trung tâm xã Nguyễn Huân bị sạt.

Trước đó ngày 23/10, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành. Thời gian gần đây, bờ sông Giao Hòa thuộc địa bàn các xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo chính quyền địa phương, xã Giao Long và An Hóa bị sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 800 mét, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống của hơn 300 hộ dân; trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp đi nơi khác. Sạt lở còn ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ĐH.03 dọc theo bờ sông Giao Hòa. Tuyến đường này đã có 45 mét bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Giao Hòa, giao thông bị bế tắc.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu chính quyền các địa phương có sạt lở áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở tiếp diễn; tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm sạt lở ven sông, ven biển đang cần nguồn kinh phí để khắc phục.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai khẩn cấp sạt lở bờ sông Cái Cao và tình huống khẩn cấp có nguy cơ sụt lún, sạt lở bờ sông Cổ Chiên nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai, huy động tổng hợp các nguồn lực trong công tác xử lý, khắc phục hậu quả. Theo chính quyền địa phương, hai khu vực sạt lở gồm: Khu vực sạt lở bờ sông Cái Cao thuộc xã Phú Đức (huyện Long Hồ) được công bố ở mức độ sạt lở nguy hiểm, gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 2610m; khu sạt lở bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ, đoạn từ bến phà An Bình đến giáp tuyến kè sông Long Hồ do UBND thành phố Vĩnh Long đầu tư thuộc phường 1, có chiều dài 400m, được công bố ở mức độ có nguy cơ sụt lún, sạt lở nguy hiểm.

UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có liên quan triển khai các giải pháp phi công trình, công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh.

Chậm nhất ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án

Để giúp các địa phương phòng, chống sạt lở, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng, để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều địa phương công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở
Người dân tạm thời di chuyển bằng phà khi tuyến lộ về xã Nguyễn Huân bị chia cắt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện đầu tư dự án bảo đảm chất lượng; chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; không sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương được bổ sung ở trên trái mục đích (trong đó có việc chỉnh trang đô thị); thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load