(Xây dựng) - Trong tương lai gần, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc nhằm đưa vùng đất đầy tiềm năng này phát triển cùng cả nước.
Thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. |
Niềm vui trên từng cây số
Những năm qua, vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với vùng ĐBSCL là hạ tầng giao thông hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng sụt, lún, sạt lở và những ảnh hưởng tiêu cực khác từ biến đổi khí hậu…
Thực tế ghi nhận, trong mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Khoảng 5 năm trở lại đây, vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi "khủng" để ứng phó với hạn mặn hay các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, thuận thiên với phương pháp canh tác dựa theo quy luật của tự nhiên đang được chú trọng phát triển, giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất ngay trong “mùa thiên tai”, tiếp tục gắn bó với quê hương ruộng vườn của mình.
Cùng thời điểm này, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, cộng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…, nhiều dự án cao tốc đã được đầu tư mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL. Song song đó, các chương trình xây dựng nông thôn mới ở khắp nơi cũng hoàn thành. Những con đường láng bon, nối từ thôn quê ra phố thị đã cải thiện, kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ.
Khi “điểm nghẽn” hạ tầng dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp có xu hướng về tận các vùng quê, “trải thảm đỏ” mời gọi lao động. Đối với người lao động, họ cũng nhận thấy quê hương miền Tây đã bắt đầu trở thành nơi “đáng sống”, và trở lại gắn bó làm việc trên quê hương mình.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau nhìn từ trên cao. |
Theo Bộ Giao thông vận tải, ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km và 2 dự án cầu, đường bộ.
Công nhân tăng tốc thi công tại dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. |
Trong đó, 4 dự án cao tốc gồm: (i) 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (iii) dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (iv) dự án thành phần 1 Cao Lãnh-An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ.
Còn 2 dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2.
Trong khi đó, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh-An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.
Từ là “vùng trũng” cao tốc, đến nay trong vùng đã có 120km cao tốc được đưa vào khai thác là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2025, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, đến năm 2030 là 763km.
Tháo “điểm nghẽn” dồn lực cho phát triển
Ngày 16/10 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Diện mạo giao thông vùng ĐBSCL đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. |
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vùng ĐBSCL có 2 "nút thắt" phát triển về hạ tầng và nhân lực, ngân sách đã dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL cần phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều quan trọng hơn cả là cần rút kinh nghiệm để thời gian tới làm tốt hơn nữa. Những vấn đề khó khăn nhất đã vượt qua, hiện nay cần phải tạo động lực mới, khí thế mới, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Quốc khánh và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”; huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành 3.000km đường cao tốc.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. |
Về vốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương, bố trí, điều chuyển cấp đủ vốn cho các dự án. Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ triển khai dự án, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tập trung giải quyết dứt điểm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất cho thi công các dự án…
Theo quy hoạch đến năm 2030, ĐBSCL có khoảng 1.200km đường cao tốc với 3 tuyến theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Đến nay, cũng đã quy hoạch xong hệ thống sân bay, giao thông đường thủy trong khu vực. Trong nhiệm kỳ này, các Bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL cố gắng hoàn thành 600km đường cao tốc và nhiệm kỳ tới tiếp tục hoàn thành 600km nữa.
Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc nhằm đưa vùng đất đầy tiềm năng này phát triển cùng cả nước…
Giang Sơn - Phạm Hổ
Theo