(Xây dựng) – Đây là chủ đề của diễn đàn diễn ra tại Bắc Ninh ngày 27/12, do Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Tại đây, những ý kiến được các đại biểu lần lượt đưa ra cũng là những “kế” hiến để hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nhân Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Phát triển làng nghề là những biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sản xuất hàng hoá, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và còn là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn cùng đàm luận, trao đổi ý kiến, đánh giá đúng thực trạng của hoạt động làng nghề, những tiềm năng, cơ hội và cả những thách thức đang hiện hữu đối với làng nghề; đặc biệt là bằng thực tiễn chỉ đạo và tâm huyết, trách nhiệm của mình đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để khu vực làng nghề được phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng…
Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp các ý kiến chung cho việc tổ chức diễn đàn nhằm tuyên truyền, phổ biến Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Mỗi đại biểu đưa ra ý kiến tham luận về những khía cạnh khác nhau của kinh tế làng nghề.
Ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho rằng: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại không chỉ là một thương vụ làm ăn ngắn hạn. Theo đó, ông phân tích, các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, khiến đất đai, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
Ông bày tỏ quan điểm muốn cùng địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho những người dân thuộc các làng nghề. Doanh nghiệp rất mong có được cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội đưa ra kiến nghị: Gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội làng nghề. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư và lập quy hoạch tổng thể để phân bố sắp xếp lại các khu sinh hoạt, sản xuất và tạo dựng cơ sở hạ tầng. Quy hoạch bãi chứa nguyên liệu, nguồn nước, chất thải, hạn chế bụi, tiếng ồn... Bên cạnh đó tăng cường trồng cây, hồ nước, vòi phun nước nhân tạo, thiết bị thu gom bụi, khí độc, nhiễm nhiệt, nhiễm điện từ các lò, hầm nung, nơi sấy sản phẩm từ các làng nghề.
Nhìn từ những giá trị truyền thống, ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề nghị: Phải “đánh thức” nghề truyền thống của ông cha ta để lại. Chúng ta có rất nhiều Nghị định, nhiều chính sách và luật liên quan đến ngành nghề và làng nghề, chẳng hạn như Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn bắt đầu có giá trị từ năm 2018 đến nay. Thế nhưng, triển khai thế nào, ai làm gì, trách nhiệm đến đâu, làm thế nào để cơ quan truyền thông vào cuộc để phân tích, cái nào cần phải được khai thác, cái nào cần phải được nuôi dưỡng? Chính sách ấy nằm ở trong các làng nghề truyền thống khác với các làng nghề chung chung… Và đặc biệt, việc đối xử với các nghệ nhân, những nghệ nhân tài ba, nghệ nhân cao tuổi cũng là một vấn đề. Hơn nữa, hiện nay nếu chúng ta hội nhập với quốc tế thì các sản phẩm trong làng nghề của chúng ta so với nhiều nước phải rất mạnh.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Long – Chủ tịch Công ty Sứ Long Phương, thành viên Hội doanh nhân Việt Nam cho biết: Sự phát triển ngành Gốm sứ của các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng đang phát triển rất nhanh. Chính vì vậy, rất cần quỹ đất để phát triển sản xuất hướng đến sự ổn định lâu dài. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ về chính sách, thuế, hỗ trợ vay vốn, nguyên liệu, mẫu mã và tiêu thụ...
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Làng nghề có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa. Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế làng nghề của Ðảng, Nhà nước, sự hỗ trợ các doanh nghiệp, các làng nghề đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để vươn lên phát triển… Các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, ban, ngành tại diễn đàn sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu và tổng hợp, báo cáo, tham mưu giúp Ðảng, Nhà nước có chính sách mới đúng, sát với thực tế hơn. Ðại diện doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý cần tiếp tục tích cực hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.
Mộc Miên
Theo