(Xây dựng) - Sau nhiều năm gắn bó với ngành nhựa, doanh nhân Đinh Đức Thắng vẫn luôn trăn trở với những kế hoạch và chiến lược phát triển ngành để làm sao nâng tầm ngành công nghiệp nhựa Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ông Đinh Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Stavian. |
Được Chính phủ cử đi Nga du học theo diện học bổng khi đang theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, doanh nhân Đinh Đức Thắng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Stavian (Stavian Group) đã xuất sắc tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Mátxcơva, và sau đó là ngành quản trị kinh doanh MBA tại Hoa Kỳ.
Sau nhiều năm học tập và làm việc tại châu Âu, ông Đinh Đức Thắng đã trở về Việt Nam với mong muốn đóng góp cho quê hương. Lựa chọn khởi nghiệp đúng với chuyên ngành được đào tạo bài bản, ông Thắng đã từng bước phát triển thành công Stavian Group, góp sức phát triển ngành nhựa Việt Nam.
Bằng chiến lược kinh doanh đúng đắn, Stavian Group hiện đang là nhà phân phối hạt nhựa nguyên sinh và sản phẩm hóa dầu dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời triển khai đầu tư một số dự án nhà máy, tổ hợp công nghiệp hóa dầu, hóa chất lớn tại Việt Nam.
PV: Thưa ông, năm 2009 được xem là năm đầy thử thách của toàn bộ nền kinh tế. Vậy cơ duyên nào đã thôi thúc ông quyết định thành lập Công ty CP Stavian Hóa chất (Stavian Chemical) trong thời điểm kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều biến động như vậy?
Tại hầu hết các nước phát triển, ngành công nghiệp hóa chất, hóa dầu luôn có vai trò, vị thế rất quan trọng, được coi là “Ngành công nghiệp của mọi ngành công nghiệp”. Các sản phẩm đầu ra của ngành hóa chất, hóa dầu là đầu vào của gần như toàn bộ các ngành công nghiệp khác, thậm chí là cả nông nghiệp. Trong khi đó, ngành này tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn non trẻ so với các nước phát triển trên thế giới, và rất nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa dầu, hóa chất còn phải nhập khẩu. Nhận ra được tầm quan trọng, tiềm năng về quy mô thị trường cũng như tiềm năng phát triển bền vững của ngành đối với nền kinh tế - xã hội, chúng tôi đã quyết định gia nhập ngành mặc dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn vào thời điểm năm 2009.
PV: Đâu là bí quyết giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn và đưa Stavian Chemical trở thành một trong những công ty dẫn đầu về phân phối hạt nhựa nguyên sinh và sản phẩm hóa dầu tại khu vực và trên thế giới như hiện nay?
Chính tầm nhìn dài hạn và đội ngũ nhân sự phù hợp đã giúp Stavian Chemical đạt được những thành công nhất định trên con đường phát triển của mình. Cụ thể, với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi đã nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các chiến lược kinh doanh và quản trị thích hợp, để đạt được mục tiêu và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, đặc biệt là đội ngũ quản lý - lãnh đạo được đào tạo chuyên sâu và bài bản, gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập, cùng chung một tinh thần hội nhập mạnh mẽ - “Go Global”. Tất cả đã giúp Tập đoàn Stavian mở rộng và phát triển chi nhánh tại gần 30 quốc gia, trở thành lợi thế quan trọng đưa hàng hóa của Stavian có mặt tại gần 100 thị trường trên toàn cầu.
Với tầm nhìn dài hạn và đội ngũ nhân sự phù hợp đã giúp Stavian Chemical đạt được những thành công nhất định trên con đường phát triển của mình. |
PV: Bên cạnh lĩnh vực phân phối hạt nhựa và sản xuất bao bì sinh học tự hủy, thân thiện với môi trường, Stavian còn được biết đến trong những lĩnh vực khác như logistics, phân phối, hóa dầu. Ông có thể chia sẻ thêm về các lĩnh vực này của Tập đoàn được không?
Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất được thành lập vào năm 2009, tập trung vào lĩnh vực phân phối hạt nhựa nguyên sinh và sản xuất bao bì sinh học tự hủy, thân thiện môi trường. Sau gần 15 năm phát triển, Stavian Chemical, và giờ là hệ sinh thái Stavian đã mở rộng quy mô doanh nghiệp trở thành Tập đoàn đa ngành đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất và phân phối hạt nhựa nguyên sinh & các sản phẩm hoá dầu, giấy và bột giấy, bao bì thân thiện môi trường, phân phối hàng tiêu dùng, logistics, bất động sản, đầu tư và vật liệu mới công nghệ cao.
Stavian cung cấp cho hơn 14.000 khách hàng và đối tác trong và ngoài nước những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với chi phí hợp lý, được kết nối thông qua gần 30 chi nhánh trên toàn cầu, các nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam cùng đội ngũ nhân sự tận tâm và chuyên nghiệp.
PV: Được biết, hiện ông còn là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA). Theo ông, ngành Nhựa Việt Nam cần đổi mới và phát huy những thế mạnh gì để tạo sức bật mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn?
Mục tiêu phát triển của ngành Nhựa Việt Nam là trở thành một ngành đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả năng hội nhập cao vào kinh tế khu vực và thế giới.
Vì vậy, doanh nghiệp nhựa trong nước cần chủ động tái cơ cấu đầu tư và tăng cường năng lực nghiên cứu, tập trung đầu tư máy móc theo chuẩn công nghệ mới, giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần hưởng ứng kêu gọi chuyển đổi số của Chính phủ và tự chủ xây dựng hệ thống nguồn cung ứng, sản xuất, chế biến tuần hoàn.
PV: Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên. Ông có thể chia sẻ thêm về dự án và những lợi ích mà dự án này mang lại cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam?
Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên có tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Dự kiến khi chính thức đi vào hoạt động trong Quý IV/2026, hàng năm Nhà máy sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đồng thời, cũng sẽ thu hút và tạo động lực cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất khâu sau về đầu tư tại Quảng Ninh.
Stavian Quảng Yên tập trung vào sản xuất Polypropylene - một trong những nguyên liệu Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 80%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Sử dụng các công nghệ bản quyền tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất hạt Polypropylene hiện nay gồm công nghệ PDH từ Honeywell UOP (Hoa Kỳ) và công nghệ PP từ LyondellBasell (Italy).
Bên cạnh đó, dự án còn sử dụng trang thiết bị chất lượng cao có xuất xứ từ các nước khối EU và G7 cùng quy trình công nghệ khép kín, tự động hóa, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi dự kiến đạt quy mô sản xuất 600.000 tấn hạt Polypropylene/năm, đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất nội địa, góp phần vào việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Với những kế hoạch đó, Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên sẽ mang lại những đóng góp đáng kể cho Quảng Ninh nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.
Kiến Tài
Theo