(Xây dựng) – Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp khiến cho người dân e ngại trong việc đi lại nơi đông người, điều này khiến doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn.
Xe hợp đồng du lịch giảm sản lượng đến 80% trong tháng 2/2020 do dịch Covid-19. |
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính riêng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách liên tỉnh giảm từ 40 - 50 %, trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30 - 40%; Bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%; Bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%... Vận tải bằng xe taxi giảm 50 - 60%, vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm 70 – 80%.
So sánh số lượng giảm thực tế của một số lĩnh vực, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra con số: Nếu tháng 2/2019 sản lượng hành khách của vận tải hành khách liên tỉnh là 5,3 triệu lượt, nhưng tháng 2/2020 chỉ đạt 2,6 triệu lượt (giảm 41%); xe buýt tháng 2/2019 đạt 40,3 triệu, tháng 2/2020 đạt 28,3 triệu lượt (giảm 21%; xe hợp đồng tháng 2/2019 đạt 15,5 triệu, tháng 2/2020 đạt 3,6 triệu lượt (giảm 70%)...
Trong khi đó, vận tải bằng taxi còn giảm mạnh hơn, giảm ở mức 50 - 60% so với cùng kỳ tháng 2/2019, ước đạt 3,6 - 4,58 triệu hành khách. Còn với loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70 - 80%, ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách.
Đặc biệt, không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội xuân không tổ chức... Vận tải hàng hóa cũng giảm 30% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Chủ một doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng cho các trường học, lễ hội tại Hà Nội chia sẻ, từ Tết đến nay, công ty của ông hầu như đóng băng mọi hoạt động cho thuê xe, bởi công ty chủ yếu cho thuê xe hợp đồng chuyên chở đưa đón học sinh cho các trường học tư thục và hợp đồng chở khách đi lễ hội, nên hiện tại công ty đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh thành cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng bến xe Vinh cho biết: Bến xe Vinh ngày bình thường tiếp nhận từ 300 - 350 đầu xe với hàng nghìn lượt hành khách đi. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, chỉ còn khoảng 150 đầu xe, hành khách giảm tới 70%. Việc hành khách giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe.
Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, thị trường mới, qua đó sẽ tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; Kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải.
Ngoài ra cần có các chính sách, giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động giao thông vận tải; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giảm phát sinh khí thải trong giao thông vận tải; có kế hoạch, phương án phát triển hoạt động giao thông vận tải an toàn và bền vững khi hết dịch...
Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động cắt giảm bớt số chuyến, đồng thời không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Thông tư của Bộ Giao thông vận tải: Thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt.
Hạ Ly
Theo