(Xây dựng) - Do ảnh hưởng của giá xăng dầu, một số doanh nghiệp vận tải đã đăng ký tăng giá vé xe khách, cước taxi từ 11 - 22%. Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết ngày 16/3/2022 đã có 15 doanh nghiệp vận tải taxi và 13 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định gủi thông báo đăng ký lại giá cước tới cơ quan chức năng. Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, các doanh nghiệp tăng giá thấp nhất là 11,11% và cao nhất là 22,22%.
Đến hết ngày 16/3/2022, có 15 doanh nghiệp vận tải taxi và 13 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định gủi thông báo đăng ký lại giá cước tới cơ quan chức năng. |
Sau nhiều lần trì hoãn, vừa qua hãng xe Sao Việt cũng đã gửi hồ sơ tới cơ quan chức năng thông báo điều chỉnh thêm 50.000 đồng một vé (tăng 20%) so với giá cũ. Như vậy, mỗi vé xe chặng Hà Nội - Lào Cai từ 230.000 đồng sẽ tăng lên 280.000 đồng cuối tuần này. Theo doanh nghiệp, giá xăng dầu chiếm gần 40% chi phí vận tải nên khi xăng tăng giá lên gần 30.000 đồng một lít mà doanh nghiệp không điều chỉnh giá vé có thể sẽ phá sản. Hiện hãng Sao Việt vận hành khoảng 30% số lượng xe hiện có do ảnh hưởng dịch bệnh, xe còn nằm bãi nhiều ngày. Gần đây, dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất xe. Nhiều chuyến do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng khiến hoạt động vận tải lúc này rất khó khăn.
Từ ngày 10/3, ứng dụng đặt xe công nghệ Grab điều chỉnh giá cước dịch vụ. Theo đó, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, dịch vụ này có giá cước nâng lên 34.300 đồng 2km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành khác phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2km đầu tiên, dao động khoảng 10.000 - 12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, các hãng taxi, xe hợp đồng hiện phải tăng giá cước 10-15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km, có thể tăng hơn nữa theo tình hình xăng dầu thế giới. Theo ông Hùng, nếu không tăng giá cước thì không có thu nhập cho người lao động. Hiện nay, doanh thu các hãng taxi đều sụt giảm, số xe hoạt động cầm chừng chỉ 60%.
Theo ông Trần Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tình hình biến động của giá xăng dầu đã và đang có những tác động đến giá thành các dự án giao thông và giá dịch vụ vận tải. Bộ Giao thông vận tải đang theo dõi sát tình hình và đề xuất giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải, báo cáo Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; có chính sách tín dụng như hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.
Lê Mỹ
Theo