Chủ nhật 08/12/2024 04:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách

14:50 | 21/10/2024

(Xây dựng) - Ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã được quan tâm và đề cập nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho DN, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách
Phát triển khu công nghiệp xanh thu hút công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh hoạ)

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển CNHT.

PV: Việt Nam đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CNHT, nhưng đến nay ngành vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, vậy đây là câu chuyện thực thi chính sách chưa hiệu quả hay vấn đề nằm ở đâu thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: CNHT là ngành yêu cầu hàm lượng công nghệ cao, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm đầu ra, đồng thời giá cả sản phẩm phải cạnh tranh. Trong khi đó, đa phần các DN Việt Nam trình độ sản xuất, năng lực còn thấp chưa đáp ứng được các yêu cầu của sản phẩm CNHT.

Bên cạnh đó, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức (chủ yếu là thị trường ngoài nước); các chính sách về ứng dụng, chuyển giao, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất và hỗ trợ tín dụng đầu tư sản xuất, ... còn khó tiếp cận.

Nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của ngành, chưa có bộ máy tổ chức triển khai xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, nguồn vốn hỗ trợ chưa đủ lớn…

Sản phẩm CNHT là sản phẩm yêu cầu trình độ sản xuất rất cao về chất lượng, kỹ thuật và giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, năng lực khoa học và công nghệ của DN Việt Nam đi sau các nước phát triển trong khu vực từ 2,3 thế hệ; hầu hết là DN nhỏ và vừa trình độ thấp. Theo đó phần lớn DN CNHT nội địa chưa chú trọng đầu tư cũng như không đủ nguồn lực đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (khó khăn về khả năng thu xếp tài chính để đầu tư và mở rộng trang thiết bị, công nghệ sản xuất; Thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao vận hành). Việc tiếp cận nguồn lực của Nhà nước trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

Thêm hạn chế nữa là dung lượng thị trường nhỏ, DN hỗ trợ muốn giảm giá sản lượng phải đủ lớn. Ví dụ như lĩnh vực ô tô dung lượng thị trường khoảng 500.000 xe/năm, nhưng lại có nhiều dòng xe từ xe con, xe tải, xe khách, mỗi dòng xe lại có nhiều sản phẩm khác nhau, như vậy thị trường đã nhỏ, lại phân tán, nên để phát triển ngành CNHT ô tô là rất khó.

PV: Những năm qua, Việt Nam đã thành công nhất định trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, các DN này khi vào Việt Nam lại kéo theo hệ thống các DN CNHT. Chính vì vậy, CNHT của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia dù họ hoạt động ngay tại Việt Nam. Ông có thể lý giải điều này?

Ông Phạm Tuấn Anh: Nguyên nhân cơ bản là ngành CNHT trong nước còn yếu kém, khiến Việt Nam chưa có được một hệ thống nhà cung ứng nội địa các linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ tại chỗ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm của các Tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ôtô, điện tử..., đang rất yếu ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện... để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, phần lớn các DN FDI mong có các DN sản xuất có định hướng đầu tư dài hạn, có năng lực cung ứng tốt để đồng hành cùng với họ trong quá trình phát triển.

Trong khi đó, tập quán kinh doanh của các DN toàn cầu thường sử dụng các DN đã từng cung ứng hoặc cùng quốc tịch; các DN trong nước cũng chưa chủ động trong việc tìm kiếm, nâng cao năng lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu của DN đầu chuỗi cung ứng.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các nội dung và nhiệm vụ mà Chính phủ đang giao tại Nghị định 111 về phát triển CNHT, Nghị quyết 115/NQ-CP, Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, về hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tại các nước có nền CNHT mà chúng ta đang hướng tới như Nhật Bản, Hàn Quốc bằng các cái chương trình hợp tác đào tạo, hỗ trợ cho các DN để được đào tạo cũng như tìm kiếm thị trường.

Cụ thể nhất là chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua về việc đào tạo cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNHT được triển khai rất hiệu quả, có bước thay đổi, nhận thức, tiếp cận thị trường cũng như cách làm về CNHT của các nước bạn.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện những hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng để chính sách đến được với DN. Bộ Công Thương rất mong muốn các bộ, ngành liên quan đến các chức năng nhiệm vụ cũng có sự đồng hành sát cánh cùng Bộ Công Thương trong việc xây dựng chính sách.

PV: Theo ông, cần làm gì để tăng cường tính kết nối giữa DN trong nước với DN nước ngoài trong phát triển CNHT?

Ông Phạm Tuấn Anh: Về ngắn hạn, Bộ Công Thương đã và đang làm công tác xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp CNHT và triển khai các chương trình phát triển nhà cung cấp.

Điển hình như Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung thực hiện rất hiệu quả các chương trình này trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cho Samsung và sắp tới Bộ cũng sẽ có những chương trình tương tự với các tập đoàn lớn khác ở Việt Nam để phát triển nhà cung cấp cho họ.

Về dài hạn, Bộ Công Thương tiếp tục tư vấn cho Chính phủ ban hành những chương trình, chính sách để hoàn thiện thu hút đầu tư vào trong lĩnh vực CNHT. Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nước, hình thành các cái khu, cụm CNHT, có những DN đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách
Cùng với đó là hình thành các dịch vụ cho khu, cụm đó để tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ việc cung cấp nhà xưởng, các dịch vụ mà các doanh nghiệp CNHT cần có nhu cầu để họ yên tâm đầu tư vào các khu CNHT đó. (Ảnh minh hoạ)

Mở rộng thị trường cho CNHT bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh); từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết.

Hỗ trợ để hình thành DN tầm cỡ khu vực, với vai trò dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành CNHT; Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu để giúp tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load