Theo giới chuyên gia, việc phát triển đô thị xanh thông minh ở 2 bên sông Hồng (với quỹ đất còn rất dồi dào ở phía Đông) là xung lực quan trọng để Hà Nội xứng tầm các thành phố lớn trên thế giới.
Bãi bồi ven sông Hồng mở ra nhiều cơ hội để xây dựng các không gian sáng tạo. (Ảnh: TTXVN phát) |
Khẳng định trung tâm Hà Nội đã quá tải, khu vực phía Tây cũng gần như đã hết dư địa phát triển, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng (với nguồn dư địa, quỹ đất còn rất dồi dào ở phía Đông) trở thành “đô thị xanh” thông minh là lộ trình phát triển tất yếu, cần sớm được triển khai thực hiện.
Đây cũng là "xung lực" để Thủ đô phát huy tiềm năng, xứng tầm theo xu hướng chung của thế giới - lấy mẫu số là các thành phố 2 bên sông như Paris của Pháp, London của Anh, New York của Mỹ hay Thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Sẽ có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng
Tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông Hà Nội” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25/10, tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch VUPDA khẳng định sông Hồng được coi là trục xanh về cảnh quan chính của đô thị, với rất nhiều dư địa cho Thủ đô đổi mới.
Tuy nhiên, quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết; trong đó có chủ đề về hình thành, phát triển phân khúc đô thị, bất động sản, các dự án công trình kiến trúc mang dấu ấn thời kỳ đổi mới đồng thời phát triển hạ tầng, môi trường, không gian đô thị ngày càng chất lượng hơn.
Theo ông Quảng, Hà Nội trước đây đã từng có xu hướng phát triển nghiêng về phía Tây, bởi toàn bộ kết nối hạ tầng xuôi về phía Nam. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng và tạm thời khu vực phía Tây sẽ chững lại, xu hướng phát triển đô thị sẽ chuyển sang phía Bắc và phía Đông.
Đặc biệt, trong việc phát triển đô thị về phía Đông, với quỹ đất dồi dào hai bên bờ sông Hồng, Hà Nội hoàn toàn có thể cải thiện toàn bộ những điều kiện về cảnh quan môi trường cũng như liên quan đến ùn tắc giao thông ở nội đô.
“Chắc chắn những mô hình phát triển đô thị trong tương lai của chúng ta với Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị sẽ tạo ra một trung tâm mới, hiện đại, khang trang ở ven sông Hồng; từ đó tạo ra những không gian cảnh quan, những công trình dịch vụ tiện ích mới. Khi đó, tương lai của sông Hồng sẽ rất xứng tầm với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến trên vai trò là Thủ đô sáng tạo,” ông Quảng nhấn mạnh.
Cho rằng hiệu quả và chất lượng của quá trình phát triển hệ thống đô thị vùng sẽ lan toả và có tính quyết định đến sự phồn vinh của một vùng và quốc gia, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định phía Đông Hà Nội với tâm điểm sông Hồng là nơi thích hợp nhất.
Hiện tại, khu vực ven sông Hồng cũng đang sở hữu những yếu tố không gian hiện đại để trở trành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch hỗ trợ, hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp giá trị gia tăng cao. Đây cũng là nơi thu hút hàng vạn chuyên gia, nhân sự cao cấp và người lao động cùng với các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Cùng với đó, các dự án nhà ở cũng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô tới các quận giáp ranh sinh sống với việc đi lại thuận tiện và điều kiện hạ tầng tốt hơn nhờ giải pháp quy hoạch xây dựng, đầu tư hệ thống mới, xây dựng nhà ở với chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mở rộng không gian xanh.
Phù hợp xu thế phát triển
Theo đánh giá của bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Việt Nam (Bộ Xây dựng), Quy hoạch sông Hồng được Hà Nội thông qua mới đây rất phù hợp với xu thế phát triển; có tính khả thi cao với cách tiếp cận theo hướng phát triển không chất tải, dồn nén các khu đô thị mà tích hợp các giải pháp hài hoà, biến không gian hai bên bờ sông thành lõi xanh của thành phố.
Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông Hà Nội.” (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Hơn thế, Quy hoạch đô thị sông Hồng cũng là dấu mốc lịch sử để thành phố Hà Nội mạnh dạn phát triển “vượt qua sông Hồng,” biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị lớn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện từ quy hoạch đến thực tiễn, theo bà Nhâm, quan trọng nhất là cần quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân.
Cùng với đó, việc quy hoạch và phát triển đô thị cần tuân thủ các quan điểm phát triển bền vững dựa trên 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là tôn trọng thiên nhiên, phát triển cảnh quan hai bên sông trở thành chuỗi các công viên, vườn hoa lớn; gắn với con đường thân thiện với cây xanh, mặt nước cho người đi bộ và xe đạp.
Thứ hai là tôn vinh văn hoá - lịch sử, bởi sông Hồng là nơi khởi nguyên cho nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt, kiến tạo nên Thăng Long-Hà Nội hơn 1000 năm văn hiến. Do đó, đô thị hoá 2 bên sông Hồng cần phải tôn vinh các giá trị văn hoá; thiết lập không gian cảnh quan kết nối và bảo vệ các di tích lịch sử.
Cuối cùng là cần nâng cao vị thế Thủ đô. Theo đó, xu hướng mở rộng không gian đô thị Hà Nội về phía Đông hướng ra biển lớn là tất yếu nhằm khẳng định vị thế Thủ đô, nâng cao sức cạnh tranh Hà Nội với thủ đô các nước ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực phát huy tiềm năng tích tụ kinh tế công nghiệp - dịch vụ quy mô lớn, kết nối với kinh tế hàng hải (thành phố Hải Phòng) và hành lang kinh tế Quốc lộ 5/Quốc lộ 18 cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế.
Nhìn nhận ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc VietstarLand cho rằng quy hoạch đô thị ven sông Hồng, phát triển thành phố về phía Đông là đi theo xu hướng chung của thế giới - lấy mẫu số là các thành phố 2 bên sông như Paris của Pháp, London của Anh, New York của Mỹ hay Thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Trước mắt, bản quy hoạch đô thị ven sông Hồng đang tác động mạnh mẽ tới xu hướng đầu tư bất động sản. Bởi phát triển 1 vùng đất, 1 địa phương, yếu tố mở đường sẽ là hạ tầng. Hạ tầng đi trước sẽ mở đường cho bất động sản. Như ở khu vực phía Đông Hà Nội, bên cạnh mạng lưới 10 cây cầu sẽ được cơi nới hoặc xây mới, đây cũng là nơi có hệ thống đường bộ đồng bộ và hiện đại bậc nhất Thủ đô./.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)