(Xây dựng) - Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu có 17 đô thị với mục tiêu xây dựng con người làm trung tâm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW (ngày 24/1/2022) của Bộ Chính trị. |
Đó là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nêu tại hội nghị thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW (ngày 24/1/2022) của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2030 được tổ chức mới đây.
Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động trên tinh thần Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị để nhận diện đầy đủ, xác định được những giải pháp quyết liệt hơn để phát triển đô thị trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, tập trung hướng đến 3 mục tiêu gồm: nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị; giá trị kinh tế, kết nối giao thương cao hơn và tạo sự kết nối với toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, việc phát triển đô thị cần phải lấy con người làm trung tâm. “Chúng ta xây dựng một đô thị phục vụ ai? Phục vụ nhân dân chứ ai. Không lấy con người làm trung tâm thì chúng ta lấy cái gì làm trung tâm? Chúng ta phải tư duy vùng đất này phải phục vụ cho nhân dân ở đây và không có mục tiêu nào khác…”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh và khẳng định, trong quá trình phát triển đô thị, tỉnh sẽ đưa ra 8 nhóm giải pháp và 18 vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, nhóm giải pháp về quy hoạch được xem là tối quan trọng và là “chìa khóa” cho các tiến trình khác.
Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều dự án NƠXH đã và đang được xây dựng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. |
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đều hướng tới xây dựng đô thị văn minh hơn, diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại hơn, chất lượng hơn để người dân sinh sống tại các đô thị được hưởng những tiện ích, dịch vụ, môi trường tốt nhất. Cụ thể, các đô thị phải đạt tiêu chí “5 không” đó là đô thị không dây nhợ, không rác bừa bãi, không người ăn xin sống lang thang, không hàng rong buôn bán nhếch nhác, không đào xới đường sá lộn xộn và “5 có” gồm: đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, có bãi đậu xe, có nhà vệ sinh công cộng, có đường phố thoáng đẹp.
Thìn Nguyễn
Theo