(Xây dựng) – Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang vừa ký ban hành Quyết định số 497/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một góc đô thị huyện Long Mỹ. |
Theo Quyết định này, huyện Long Mỹ có diện tích tự nhiên của huyện là 26.072,37ha, được định hướng là vùng kinh tế phía Nam của tỉnh Hậu Giang; Trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; Đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh Hậu Giang kết nối các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (CT.01) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35) trong tương lai; Trung tâm phát triển công nghiệp gần vùng đô thị Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn trong tương lai khi các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (CT.01) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35) hình thành và đưa vào sử dụng.
Huyện Long Mỹ bao gồm 07 xã (Thuận Hưng, Thuận Hòa, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên) và 01 thị trấn (Vĩnh Viễn). Ranh giới tiếp giáp: Phía Bắc giáp thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy; Phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng; Phía Đông giáp thị xã Long Mỹ; Phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang. Dự báo đến năm 2030, dân số toàn huyện dự kiến 80.000 - 82.000 người và đến năm 2050 dự kiến 90.000 - 95.000 người.
Theo định hướng quy hoạch, xây dựng vùng huyện Long Mỹ phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng. Khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật – xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống hạ tầng khung và không gian phát triển các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, đô thị - thương mại dịch vụ, du lịch…), hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao điều kiện sống của người dân.
Khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng. Tích hợp định hướng các quy hoạch ngành gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, quy hoạch giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi…
Cụ thể hóa các định hướng phát triển của huyện Long Mỹ. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa nông thôn. Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch vùng Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL), Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng phát triển đô thị, nông nghiệp, hướng đến trở thành huyện nông nghiệp phát triển mang tính bền vững và tạo ra giá trị sản xuất đạt hiệu quả cao.
Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới. Làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản của Đồ án như chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế - xã hội, về môi trường, về hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, có cân đối cho phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển của khu vực; đối với các khu vực nông thôn cần phải đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao.
Với tiêu chí đạt đô thị loại V giai đoạn đến năm 2030. Đất dân dụng bình quân toàn đô thị đến năm 2030 là 70 – 100 m2/người và đến năm 2050 là 60-90 m2/người. Đất đơn vị ở đô thị đến năm 2030 là 45 – 55 m2/người, đến năm 2050 là 35 – 50 m2/người. Đất ở nông thôn đến năm 2030-2050 là ≥ 25 m2/người…
UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, dân số và lao động; đất đai; hiện trạng phát triển cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, vùng sản xuất nông lâm nghiệp, công trình công cộng, dịch vụ thương mại, cơ sở y tế, giáo dục... Những tác động của mối liên hệ vùng đến thực trạng phát triển kinh tế - xã hội - hạ tầng kỹ thuật đối với toàn huyện Long Mỹ.
Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng bao gồm: Cao độ nền và thoát nước mưa; công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai; hiện trạng về mạng lưới giao thông, công trình và các loại hình giao thông...; Nguồn cấp nước, công trình đầu mối, mạng lưới cấp nước, chất lượng, khả năng cung cấp... Nguồn cung cấp điện, vị trí trạm biến áp, khả năng cung cấp, chất lượng mạng lưới cấp điện…
Hiện trạng mạng lưới thông tin liên lạc; Hệ thống thoát nước thải, khả năng đáp ứng khi đô thị phát triển, thoát nước thải khu vực nông thôn...; Hiện trạng thu gom chất thải rắn, vị trí bãi chôn lấp, khả năng thu gom, khu vực nghĩa trang mức độ gần khu dân cư và ô nhiễm môi trường... cho các khu vực đô thị và nông thôn.
Đánh giá các ưu điểm, các vấn đề tồn tại liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần giải quyết trong quy hoạch vùng. Đánh giá mối liên hệ về hiện trạng với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chính, các công trình đầu mối cấp vùng, cấp đô thị. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất, hệ sinh thái...) và môi trường xã hội; Những vấn đề về môi trường và những vùng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Rà soát các dự án, chương trình đang triển khai về tính hiệu quả và sự phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra khi triển khai trên địa bàn huyện. Thu thập các tài liệu, số liệu, các dự án có liên quan và đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân cư; quỹ đất xây dựng; tình hình xây dựng của khu vực cũng như những tác động phát triển kinh tế - xã hội - hạ tầng kỹ thuật của vùng phụ cận để từ đó đưa ra phương án tổ chức không gian cho huyện Long Mỹ hợp lý.
Định hướng phát triển không gian vùng được xác định vị trí, quy mô và phương hướng tổ chức khu vực: Khu chức năng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành. Hệ thống các đô thị trong vùng phải đảm bảo có khả năng phát triển, mở rộng, thỏa mãn các yêu cầu về môi trường, an toàn cho định cư. Đô thị phải liên kết thuận lợi với các đô thị khác và với các vùng nông thôn.
Một góc thị trấn Vĩnh Viễn. |
Phát triển hệ thống đô thị: Phát triển hệ thống đô thị gồm thị trấn Vĩnh Viễn, đô thị Xà Phiên, đô thị Lương Nghĩa. Phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới. Phát triển hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp yêu cầu phát triển nông thôn mới, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tiết kiệm đất đai.
Hệ thống điểm dân cư nông thôn trong vùng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, ngành nghề sản xuất, hình thái định cư theo đặc trưng từng vùng miền và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Hệ thống hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ...) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo mọi người dân trong vùng (dân cư đô thị và nông thôn) đều được sử dụng thuận lợi và dễ dàng tiếp cận.
Các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải được quy hoạch dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; tiết kiệm quỹ đất, ưu tiên sử dụng đất hoang hóa, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm đến các vùng lân cận.
Các vùng bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên phải đảm bảo gìn giữ được tính toàn vẹn các giá trị đặc trưng của tài nguyên, phát huy được tiềm năng để phát triển kinh tế và thuận lợi trong quản lý, bảo vệ. Khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và cơ sở kinh tế - kỹ thuật khác…
UBND tỉnh Hậu Giang giao UBND huyện Long Mỹ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch; Sở Xây dựng Hậu Giang là cơ quan thẩm định quy hoạch, trình phê duyệt quy hoạch; UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan phê duyệt quy hoạch. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch là đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định.
Đồng thời, giao Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch theo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu cần thiết và bản đồ đã số hóa cho UBND huyện Long Mỹ để lập đồ án quy hoạch, nhằm đảm bảo sự trùng khớp với bản đồ địa hình.
Huỳnh Biển
Theo