Thứ năm 19/12/2024 12:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tầm nhìn đến năm 2050

08:40 | 19/12/2024

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1587/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định số 1587/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy theo hướng tăng khối lượng vận tải.

Nâng cao mục tiêu về vận tải

Quyết định số 1587/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Quyết định số 1587/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung mục tiêu vận tải theo hướng tăng khối lượng vận chuyển. Theo đó, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 835 triệu tấn (quy định cũ là 715 triệu tấn); khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 418 triệu lượt khách (quy định cũ là 397 triệu lượt khách); khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 164 tỷ tấn.km (quy định cũ là 150 tỷ tấn.km); Khối lượng luân chuyển hành khách nội địa khoảng 9 tỷ khách.km (quy định cũ là 7,7 tỷ khách.km).

Tăng khối lượng vận tải qua 9 hành lang vận tải thủy

Về quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2030, Quyết định số 1587/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy theo hướng tăng khối lượng vận tải. Cụ thể:

Hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang: khối lượng vận tải 97,5÷105 triệu tấn (quy định cũ là 62,5 ÷ 70 triệu tấn); phục vụ nhu cầu vận tải của các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương có tuyến vận tải sông biển kết nối. Trong đó, riêng khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 11 tuyến vận tải chính và các sông khác có khả năng khai thác vận tải thủy kết nối trực tiếp với hành lang vận tải thủy ven biển; khối lượng vận tải khoảng 15÷18 triệu tấn.

Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội: khối lượng vận tải khoảng 108÷115,7 triệu tấn (quy định cũ là 93 ÷ 100 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 60,3÷65,3 triệu tấn (quy định cũ là 60 ÷ 65 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 22,4÷23,6 triệu tấn (quy định cũ là 21,5 ÷ 22,6 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai: khối lượng vận tải khoảng 33,7÷36,4 triệu tấn (quy định cũ là 27,8 ÷ 30,1 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau: khối lượng vận tải khoảng 264,4÷285 triệu tấn (quy định cũ là 99 ÷ 105 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Lương: khối lượng vận tải 66,85÷70,7 triệu tấn (quy định cũ là 55,2 ÷ 58,5 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải - cảng biển quốc tế Cần Giờ): khối lượng vận tải khoảng 43,3÷48,7 triệu tấn (quy định cũ là 31,5 ÷ 35,5 triệu tấn).

Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia (qua sông Tiền, sông Hậu): khối lượng vận tải 15,1÷18,2 triệu tấn (quy định cũ là 12,7 ÷ 15,3 triệu tấn).

Nâng tổng công suất của các cụm cảng

Đồng thời, Quyết định số 1587/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung về Quy hoạch cụm cảng thủy nội địa theo hướng tăng tổng công suất của các cụm cảng.

Cụ thể, quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 513 triệu tấn (quy định cũ là 361 triệu tấn), gồm: Miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 290 triệu tấn; miền Trung có 08 cụm cảng, tổng công suất khoảng 19 triệu tấn; miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 204 triệu tấn.

Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 68,7 triệu lượt khách (quy định cũ là 53,4 triệu lượt khách), gồm: Miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 18,1 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 3,5 triệu lượt khách; miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 47,1 triệu lượt khách.

Tăng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước

Về nhu cầu sử dụng đất và mặt nước đến năm 2030, Quyết định số 1587/QĐ-TTg sửa đổi theo hướng tăng nhu cầu sử dụng đất từ khoảng 5.908ha lên 6.569ha và tăng nhu cầu sử dụng mặt nước từ khoảng 8.765ha lên 9.775ha.

Cụ thể, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.569ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 3.219ha, khu vực miền Trung khoảng 421ha, khu vực miền Nam khoảng 2.929ha.

Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 9.775ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 4.667ha, khu vực miền Trung khoảng 568ha, khu vực miền Nam khoảng 4.540ha.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bình Dương: Đẩy mạnh rà soát các dự án giao thông trọng điểm

    (Xây dựng) – Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, các dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư gồm: Nút giao Sóng Thần; nâng cấp, mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần; xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ rạch Bà Lụa đến cảng An Sơn; đoạn dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành từ ngã 3 độc lập đến ranh Thành phố Hồ Chí Minh; Cầu Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

  • Dự án kè suối Hội Phú: Nâng cấp quy mô, đảm bảo an toàn đô thị Pleiku

    (Xây dựng) - HĐND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú trong Kỳ họp thứ 24, khóa XII. Dự án này nằm trên địa bàn thành phố Pleiku, kéo dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Nguyễn Trung Trực - chùa Minh Thành.

  • Thừa Thiên - Huế: Đầu tư hơn 462 tỷ đồng làm tuyến đường dài 3,3km

    (Xây dựng) - HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường trục chính kết nối Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương với Quốc lộ 1 (huyện Phú Lộc), tổng mức đầu tư hơn 462 tỷ đồng.

  • Vĩnh Phúc: Thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ góp phần thu hút đầu tư

    (Xây dựng) – Xác định hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch. Đây là nền tảng, động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lọt top đầu cả nước.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Hoàn thiện di dời, đấu nối cáp ngầm điện cao thế nhà ga Metro số 2

    (Xây dựng) - Sáng 19/12, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết, đã hoàn thành thi công di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110kV phục vụ xây dựng nhà ga S2 - Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load