(Xây dựng) - Ngày 29/10, Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) đã góp phần nối dài danh mục dự án đầu tư của FECON, nhằm tiến tới mục tiêu trở trành Nhà thầu, nhà đầu tư uy tín sở hữu năng lực xuất sắc về nền móng và công trình ngầm.
Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng được công nhận COD từ 12h00 ngày 29/10. |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng là một trong 106 dự án gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại đủ điều kiện công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 sau quá trình kiểm tra nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và hoàn thiện đầy đủ các văn bản thủ tục pháp lý.
Với việc được công nhận COD trước “giờ G”, Dự án chính thức được hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió trên bờ là 8,5 cents/ kWh (khoảng 1.927 đồng) theo Quyết định số 39 được Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng, ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc triển khai dự án kịp tiến độ giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thi công.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do liên danh Công ty Cổ phần FECON (đại diện là Công ty Cổ phần đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Tại Dự án này, FECON đồng thời đảm nhiệm vai trò tổng thầu trong nước các hạng mục xây dựng và hạ tầng, phụ trách toàn bộ móng tuốc bin, hạ tầng giao thông, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện 110KV dài 18,9km.
Được biết, đây là dự án đầu tư thứ hai của FECON trong mảng năng lượng tái tạo (sau Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 - 50MW), đánh dấu bước tiến mới của doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng và chiến lược “đi bằng hai chân: thi công và đầu tư” nói chung.
Đại diện FECON cho biết: “Việc tiếp tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo là minh chứng cho thấy FECON đang từng bước chắc chắn triển khai chiến lược đã hoạch định cho giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 - song song hai mảng là đầu tư và thi công.
Điểm chung của các dự án là đều được phát triển vì mục tiêu ích nước lợi nhà, không chỉ góp phần phát triển doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Được biết, bên cạnh Dự án năng lượng sạch đã đầu tư và vận hành, FECON cũng đang nghiên cứu phát triển các dự án khác tại các địa phương có tiềm năng gió lớn, điển hình như Dự án điện gió trên biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng công suất dự kiến 500MW.
Kiến Tài
Theo