(Xây dựng) - Tiếp nối sự kiện chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp lần thứ 3, chiều ngày 24/5, tại thành phố Bắc Ninh, Báo Xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”.
Ông Vương Quốc Tuấn – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu. |
Tham dự Diễn đàn, về phía Bộ Xây dựng có sự tham gia của: Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có sự tham gia của ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh. Về phía Bộ Công thương có sự tham gia của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Về phía Báo Xây dựng có sự tham gia của: Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng cùng các Phó Tổng Biên tập. Diễn đàn còn có sự tham gia của PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Các Hiệp hội liên quan và các nhà tài trợ cho chương trình.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero). Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này nhằm ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được. Bởi vì, theo tính toán, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức chỉ tăng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net zero vào năm 2050. Đây là một mục tiêu lớn cần nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Đây sẽ là Diễn đàn chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tuần hoàn; cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Báo Xây dựng sẽ ghi nhận, tổng hợp các tham luận, ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng tại Diễn đàn để gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn. |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao vai trò và nỗ lực của các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh và đảm phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.
Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các cơ quan xây dựng và thực hiện chính sách; các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về triển khai thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính; các giải pháp xanh giảm phát thải; ứng dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; áp dụng giải pháp thiết kế cho công trình xây dựng để tận dụng tối các yếu tố có lợi của thiên nhiên; ứng dụng năng lượng tái tạo, thiết bị công nghệ phát thải các bon thấp; tiếp cận nguồn vốn xanh.
Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. Các giải pháp về quản lý, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính...đang được áp dụng ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) và Quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Xây dựng. Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các lĩnh vực phát triển của quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản, để cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh cũng đã sớm định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2007, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Chương trình nghị sự 21 về Chiến lược phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; đã xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, về chiến lược tăng trưởng xanh.
Bắc Ninh đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững, kinh tế xanh trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; và gần đây nhất là thể hiện trong Quyết định 1589 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định 728 về Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định; Theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 4/2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế (cụ thể như: Vấn đề ô nhiễm công nghiệp làng nghề, vấn đề chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp,… ).
Tại Diễn đàn hôm nay, chúng tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho Bắc Ninh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh – để Bắc Ninh có thể là một hình mẫu tiêu biểu của cả nước về phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với các ý kiến tham luận sâu sắc; sự tâm huyết, trách nhiệm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các học giả, nhà khoa học, chắc chắn sẽ đưa ra được những định hướng, giải pháp mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi năng lượng xanh – kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trong cả nước. Với tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, định hướng cụ thể để Bắc Ninh hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương: Xu hướng phụ thuộc vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu ngày càng tăng
Về tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và 5,91% trong giai đoạn 2011-2015. Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn. |
Trong đó, phát thải khí nhà kính từ ngành Năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020 và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
Tổng quan các chính sách tiết kiệm năng lượng, thứ nhất về Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị: Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản thông thường (BaU) đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Thứ hai, theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng 5-7% so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2025 và giảm 8-10% giai đoạn 2019-2030.
Thứ ba, theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 – 2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế và cam kết mục tiêu Net zero vào năm 2050.
Văn bản pháp lý bao gồm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (50/2010/QH12) được ban hành ngày 17/6/2010; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022; Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông… đã được ban hành.
Tổng số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên toàn quốc năm 2021 là 3.068 cơ sở, trong đó, có tổng số 2.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 55 cơ sở trong lĩnh vực vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; có tổng số 407 công trình xây dựng dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.
Theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiết kiệm năng lượng và giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%. Bên cạnh đó, giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: Thép 3-10%, Hóa chất >7%, Nhựa 18-22,46%, Xi măng >7,5%, Dệt may >5%, Rượu bia nước giải khát 3-6,88%, Giấy 8-15,8%.
Ngoài ra, sẽ có khoảng 70% khu công nghiệp (KCN) và 50% cụm công nghiệp (CCN) được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, đến năm 2025 sẽ có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, xây dựng chương trình chuyển đổi thị trường cho ít nhất 5 sản phẩm phổ biến, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 3.000 chuyên gia quản lý/tiết kiệm năng lượng, 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, sẽ phát triển hệ thống mạng lưới các đơn vị tiết kiệm năng lượng tại ít nhất 50 tỉnh thành, xây dựng 1 trung tâm dữ liệu năng lượng.
Đối với giai đoạn đến năm 2030, theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, sẽ giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6%, giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: Thép 5-16,5%, Hóa chất >10%, Nhựa 21,55-24,81%, Xi măng >10,89%, Dệt may >6,8%, Rượu bia nước giải khát 4,6 - 8,44%, Giấy 9,9-18,48%; 90% KCN và 70% CCN được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; Giảm 5% tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông vận tải, 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, dán nhãn năng lượng 50% các sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt.
Ngoài ra, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 5.000 chuyên gia quản lý năng lượng/kiểm toán năng lượng 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 bao gồm: Thứ nhất, rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thứ ba, xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thứ sáu, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế và đề xuất thành lập quỹ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để giúp giải bài toán về cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp, đầu tư vào công nghệ mới.
Một số dự án tiết kiệm năng lượng đang triển khai bao gồm: Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững EU-Việt Nam; Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE).
Chính sách và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã ghi nhận một số kết quả và kế hoạch triển khai quan trọng, cụ thể: Đã hướng dẫn địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình của địa phương: 60/63 tỉnh thành đã ban hành kế hoạch hoạt động giai đoạn 2020-2025, đến năm 2030. Bên cạnh đó, về việc hướng dẫn địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 hoặc ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, nhờ đó, chương trình tiết kiệm điện đạt kết quả tỉ lệ tiết kiệm điện toàn quốc >2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023, tỉ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 7,47% vào năm 2017 xuống 6,15% năm 2023.
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ, chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sửa đổi Luật Điện lực; Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh – Biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp
Chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh là cơ hội lớn để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ tới địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm. Cơ hội lớn thì thách thức cũng rất lớn. Trong khi, áp lực lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi lần này chính là yếu tố tốc độ. Vì vậy, vấn đề là phải nhanh chóng chuyển hóa thành hành động. Thời điểm này, chúng ta đã có xu hướng hành động tốt hơn nhưng chưa đạt yêu cầu.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Đơn cử quá trình chuyển đổi xanh ở các KCN, chuyển các KCN cũ thành KCN sinh thái, từng bước biến thành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh vẫn chưa có kết quả và các địa phương phải hành động ráo riết hơn, quyết liệt hơn.
Hiện nay, thu hút đầu tư cả nước đang hướng tới công nghệ cao như ngành chất bán dẫn, năng lượng tái tạo…trong đó điểm đột phá của Bắc Ninh chính là làm đô thị, đang chuyển hướng đô thị xanh, thông minh, sáng tạo và các KCN của Bắc Ninh đang làm theo hướng này.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa có cách tiếp cận tốt về mặt thể chế nên rất khó thực thi mà vấn đề này cần phải bàn luận căn cơ hơn nữa.
Do đó, Nhà nước cần có vai trò, trách nhiệm biến thách thức tổng thể thành cơ hội của doanh nghiệp, tức là phải thiết kế hệ thống chính sách, cơ chế để doanh nghiệp thấy cơ hội ở đó. Bên cạnh đó, cần cho thấy lợi ích của doanh nghiệp thì họ sẽ làm. Đó gọi là biến thách thức của chính quyền thành cơ hội của doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Anh Được - Đại diện Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera: Các giải pháp vật liệu xây dựng “xanh” làm nên sự khác biệt của Viglacera trên thị trường
Viglacera thời gian qua đã đi sâu vào sản xuất một số nguyên liệu, vật liệu xanh, sản phẩm xanh với phương châm “Xanh trong sản xuất, xanh trong quá trình thi công, xanh trong quá trình sử dụng”. Ứng dụng phát triển vật liệu xây dựng xanh và triển khai nhiều phương pháp sản xuất thông minh, Viglacera đã và đang có những bước tiến thiết thực để giảm phát thải hướng tới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Anh Được - Đại diện Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera. |
Ý thức từ rất sớm trong việc lấy phương pháp sản xuất xanh làm kim chỉ nam, ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình sản xuất, Viglacera đã nghiên cứu, chọn lọc và chuyển đổi nguồn nhiên liệu hướng đến giải pháp thân thiện môi trường. Những phương pháp thực tế được Viglacera ứng dụng trong sản xuất như: Sử dụng 10-20% các vật liệu tái chế và vụn phế phẩm, thu hồi trong quá trình sử dụng ngoài thị trường hay việc chuyển đổi sang dòng nhiên liệu khí CNG thay cho nhiên liệu dầu FO để nấu chảy thủy tinh giúp giảm đến 20% phát thải khí hiệu ứng nhà kính.
Các giải pháp vật liệu xây dựng “xanh” như: Bê tông khí chưng áp (AAC, ALC), kính tiết kiệm năng lượng (LowE, Solar Control), gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh… là các sản phẩm làm nên sự khác biệt của Viglacera trên thị trường.
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Giải pháp công nghệ và tài chính cho chuyển đổi xanh
Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có sự đồng hành cùng các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu. Các hoạt động của Trung tâm đã đóng góp nhiều cho chuyển đổi xanh, đặc biệt là hình thành sàn tín chỉ carbon.
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |
Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu vào giảm phát thải CO2, năm 2025 chúng ta sẽ bắt đầu vào thực hiện những cam kết của mình. Đây là điều đáng quan ngại nhưng sẽ cho lựa chọn đúng là xanh và số. Vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.
Vấn đề lớn của thế giới: Biến đổi khí hậu – là thách thức lớn nhất trong lịch sử nhân loại (United Nations). Lựa chọn giải quyết vấn đề: Tuân thủ Thỏa thuận Paris và các cam kết của Chính phủ Việt Nam; Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và để lại tài nguyên cho con cháu mai sau; Thoát hiểm khỏi các “tài sản mắc cạn” liên quan tới than đá, dầu mỏ, điện “bẩn”, công nghệ lạc hậu...
Thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dự án xanh, trên cơ sở đó sẽ có những khoản tài trợ; Ưu đãi thuế cho dự án xanh; Trợ cấp, hỗ trợ cho các khoản đầu tư xanh; Thị trường carbon; Các khoản tài trợ, đầu tư ưu đãi...
Cơ hội từ chuyển đổi xanh: Các cổ đông muốn đầu tư vào những ngân hàng, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có danh tiếng tốt. Các nhân viên thích làm việc trong một công ty có tầm nhìn, công việc có giá trị, có ý nghĩa. Khách hàng đánh giá cao một công ty quan tâm đến xã hội, có trách nhiệm, tin tưởng được. Sự ủng hộ của xã hội giúp doanh nghiệp vững mạnh, đem lại niềm tin cho khách hàng và nhân viên, sự tận tâm của nhân viên và sự hài lòng của khách hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Để phát triển lâu dài và bền vững, xây dựng nền tảng kinh doanh và tăng sức đề kháng khi hội nhập, những doanh nghiệp đủ nguồn lực cần tính chuyện đầu tư vốn xã hội, nếu không sẽ thua ngay trên “sân nhà”.
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường: Cần tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng
Trải qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Sông Đà Cao Cường đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chuyển giao các dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện chạy than, phân bón hóa chất; các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng mới; tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như tro bay, thạch cao nhân tạo... góp phần quan trọng vào giải quyết bài toán môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất. Đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm mang lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, chung tay bảo vệ môi trường.
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường. |
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy, việc chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng mới nhằm hướng tới phát triển bền vững, lâu dài. Và mô hình sản xuất vật liệu xây dựng xanh như một công cụ thiết thực giúp cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế xã hội nói chung trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững, hiệu quả tiến tới Net Zero 2050 – vì một kỷ nguyên xanh toàn cầu.
Thời gian tới, chúng tôi mong rằng Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh; tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu, các dự án. Đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh và lợi ích mà chúng mang đến cho chủ đầu tư, người sử dụng nói riêng và toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tới các nguồn vốn tín dụng xanh, nguồn vốn ưu đãi trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Văn Nam - Đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Gas Phúc Sang Minh – JPS: Cung cấp giải pháp, xây dựng hệ thống năng lượng sạch góp phần triển khai dự án tiết kiệm năng lượng
Khí CNG được cấu tạo chủ yếu từ methane (CH4), được nén đến mức nhỏ hơn 1% thể tích của nó ở áp suất khí quyển tiêu chuẩn. CNG được lưu trữ và phân phối trong các bình chứa cứng với áp suất từ 20-25 MPa (2.900-3.600 psi), thường có hình dạng hình trụ hoặc hình cầu. LNG là khí tự nhiên (Natural gas - NG) được làm lạnh đến –260° F (–162° C), NG chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng có thể tích bằng 1/600 thể tích ban đầu. Sự giảm đáng kể này cho phép nó được vận chuyển an toàn và hiệu quả trên các tàu LNG được thiết kế đặc biệt.
Ông Vũ Văn Nam - Đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Gas Phúc Sang Minh – JPS. |
Năm 2006, Phúc Sang Minh Gas được thành lập. Cho đến nay đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khí đốt. Năm 2023, Tập đoàn TOHO GAS (Top 3 công ty khí đốt tại Nhật Bản) đã lựa chọn và đầu tư vào Phúc Sang Minh.
Với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn giải pháp tối ưu nhất cho nhu cầu sử dụng khí đốt của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ thiết kế bản vẽ kỹ thuật chi tiết cho trạm khí đốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành. Đội ngũ thi công lành nghề, thi công trạm đúng quy trình và tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng và độ bền cao.
Công ty có những đối tác cung cấp tài chính để giúp doanh nghiệp triển khai dự án tiết kiệm năng lượng. Việt Nam tham gia cam kết tại COP26 nhằm cắt giảm khí CO2, thị trường khí đốt sạch (CNG/LNG) tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và sôi động hơn.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn. |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cũng đã có những thảo luận, trao đổi về một số nội dung liên quan đến thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam; Xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch; Phát thải khí nhà kính – Những tác động của khí nhà kính và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Gia tăng hiệu suất và lợi ích ESG cho các KCN...
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Phát triển kinh doanh Green Yellow: Xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch
Green Yellow là đối tác chuyển đổi năng lượng của Pháp, chuyên về sản xuất điện mặt trời phi tập trung và các dịch vụ giám sát, lưu trữ và tiết kiệm năng lượng. Công ty hiện hoạt động tại 16 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ và gia nhập Việt Nam vào năm 2019. Green Yellow chịu trách nhiệm phát triển, cấp vốn và vận hành các dự án cơ sở hạ tầng, cho phép khách hàng của mình sản xuất điện xanh tại chỗ với giá cả cạnh tranh, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và đẩy nhanh quá trình khử carbon.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Phát triển kinh doanh Green Yellow. |
Green Yellow có thể cung cấp các giải pháp đáp ứng giúp các dự án tối ưu năng lượng tại Việt Nam. Với những giải pháp năng lượng mặt trời, tham gia vào chương trình mua điện năng lượng mặt trời đáp ứng các yêu cầu của Bộ Công Thương.
Trên thị trường cũng đã có nhiều quỹ tham gia vào thị trường, riêng Green Yellow cam kết sau 6 năm sẽ đạt được hiệu quả tối ưu.
Ông Hồ Anh Thắng – Giám đốc Giải pháp Tự động hóa TNTECH: Gia tăng hiệu suất và lợi ích ESG cho các KCN
Chúng tôi làm về công nghệ, với hướng phát triển KCN hiện nay rất lớn, rải rác các tỉnh, bài toán làm sao quản lý hiệu quả vận hành khu công nghiệp. Đây là bài toán mà TNTECH phải đặt ra, hiện tại chúng tôi có 14 KCN đang hoạt động nên cần có một công cụ, công nghệ để quản lý.
Ông Hồ Anh Thắng – Giám đốc Giải pháp Tự động hóa TNTECH. |
Để tập trung hiệu quả quản lý cơ sở hạ tầng, kỹ thuật KCN và quản lý việc chăm sóc khách hàng hiệu quả để đạt ESG, thì sẽ tập trung cho nhiều vấn đề, trong đó có tối ưu quản lý vận hành, đảm bảo an ninh an toàn trong KCN, góp phần quản lý hiệu quả mức phát thải carbon. Đây là những mục tiêu khi triển khai sản phẩm KCN thông minh. Khi triển khai chúng tôi đã tập trung nhất để phục vụ cho sản phẩm của tập đoàn và các doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng.
Ông Đặng Đình Chi - Chuyên gia về Khí tượng nhà kính của BSI: Phát thải khí nhà kính – Những tác động của khí nhà kính và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
BSI đang thực hiện nhiều khóa đào tạo về hiệu ứng nhà kính. Khách hàng của BSI là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đều đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Một số đơn vị xuất khẩu đi nước ngoài hoặc bán hàng trong nước cũng đã nhận thức được vấn đề này, dù không thuộc đối tượng phải thực hiện nhưng họ vẫn kiểm kê khí nhà kính.
Ông Đặng Đình Chi - Chuyên gia về Khí tượng nhà kính của BSI. |
Hiện tại, Chính phủ cũng đang có một số văn bản được coi là nền tảng để các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể như chúng ta vừa nghe.
Ông Hoàng Xuân Mai – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng MUFG: Thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam
Về phía ngân hàng, MUFG là ngân hàng thương mại lớn nhất tại Nhật Bản, tại Việt Nam chúng tôi đặt vấn đề thúc đẩy việc tài trợ vốn để phát triển tài chính bền vững trong mục tiêu hoạt động. Hiện nay, chúng tôi đã phát triển đồng bộ đa dạng sản phẩm, dịch vụ để phục vụ việc tài trợ vốn cho phát triển bền vững.
Ông Hoàng Xuân Mai – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng MUFG. |
Chúng tôi rất ưu tiên các nguồn vốn của mình cho các hoạt động cho vay, tài trợ cho các hoạt động bền vững, cho các dự án có tác động đến môi trường một cách tích cực, mục đích sử dụng vốn tài trợ hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, chúng tôi có khoản vay bền vững mang tính chất xã hội nhằm tạo tác động rộng hơn. Trong quá trình chuyển đổi, chuyển đổi bền vững một cách sớm nhất cũng tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các chuyên gia, khán giả đã theo dõi, lắng nghe chương trình ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Anh Dũng hy vọng những ý kiến từ các chuyên gia tại Diễn đàn sẽ được các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông lan tỏa tới độc giả để thúc đẩy phát triển bền vững chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong thời gian tới.
Nhóm Phóng viên
Theo