Thứ hai 29/04/2024 00:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Diễn đàn quốc tế Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics

15:04 | 23/10/2023

(Xây dựng) - Ngày 24/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN và Đại sứ quán Australia tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia và hưởng ứng ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10).

Diễn đàn quốc tế Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics
Australia và Việt Nam đang hợp tác để đẩy mạnh đào tạo nghề trong lĩnh vực logistics.

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Australia và Việt Nam (Chương trình Aus4Skills). Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Chính phủ Australia thông qua Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được các mục tiêu trong dài hạn.

Trong lĩnh vực GDNN, Australia và Việt Nam đang hợp tác để đẩy mạnh đào tạo nghề trong lĩnh vực logistics nhằm đáp ứng trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc gia, đồng thời đáp ứng nhu cầu về kỹ năng nguồn nhân lực của ngành. Với tốc độ tăng trưởng 14 – 16%/năm, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và mạnh nhất tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu ngành logistics sẽ đóng góp 8 – 10% vào GDP và giảm chi phí logistics xuống 16 – 20% GDP vào năm 2025. Theo kết quả dự báo nguồn nhân lực, Việt Nam thiếu hụt 200.000 lao động trong ngành Logistics đến năm 2030.

Thực hiện thành công GDNN do doanh nghiệp dẫn dắt và đảm bảo tính bao trùm trong lĩnh vực logistics sẽ cung cấp 1 mô hình có thể áp dụng cho các ngành khác, góp phần xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động chất lượng cao ở Việt Nam. Trong kỷ nguyên số, phát triển ngành Logistics đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao, hòa nhập và được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện và thích ứng với môi trường phức tạp, kết nối và phát triển công nghệ ngày càng nhanh.

Hội nghị quốc tế này sẽ có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho Bộ Lao động Thương binh và xã hội, các cơ quan Chính phủ Việt Nam và Australia, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức của Australia, ASEAN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics, doanh nghiệp, Hiệp hội Logistics Việt Nam, các trường cao đẳng, tổ chức xã hội, chuyên gia/nhà nghiên cứu GDNN, nhà giáo GDNN và cơ quan truyền thông.

Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ chia sẻ các mô hình kinh nghiệm phát triển kỹ năng trong ngành Logistics; xác định thách thức và đề xuất chính sách, giải pháp phát triển GDNN tại Việt Nam, tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào GDNN, thích ứng chuyển đổi số và thúc đẩy tính bao trùm tromg GDNN; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và Australia cùng các nước khác trong phát triển GDNN.

Mục tiêu của Diễn đàn là chia sẻ các mô hình và kinh nghiệm của Việt Nam và Australia trong phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics, giúp học viên có đủ năng lực và sẵn sàng thích nghi trong kỷ nguyên số; xác định những thách thức và đề xuất các chính sách, giải pháp để đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực GDNN tại Việt Nam, trong đó tập trung vào vấn đề: Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và tham gia phát triển kỹ năng, chuyển đổi số và đẩy mạnh hòa nhập trong GDNN.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load