Thứ hai 13/01/2025 11:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Diễn đàn Kinh tế miền Trung: Vì một nền kinh tế phát triển bền vững

23:30 | 25/09/2017

(Xây dựng) - Sáng ngày 25/9 tại TP Đà Nẵng, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung và VCCI tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 lần thứ 2 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến tham dự và trực tiếp chủ trì Diễn đàn.


Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế và hơn 400 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ nhất vào năm 2014, Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 lần thứ 2 đã chọn chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền trung bền vững” làm chủ đề chính. Mục tiêu của Diễn đàn lần này là nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung thông qua việc phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền Trung.

Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 lần thứ 2 sẽ đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.

Giáo sư Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung, nhiều hội thảo, diễn đàn đã bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung, nhưng vẫn chưa hóa giải được những xung đột lợi ích cục bộ, vẫn mạnh tỉnh nào tỉnh đó khai thác tiềm năng, thế mạnh, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung. Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn lần này với sự chủ trì của Chính phủ, sự tham dự của hơn 10 Bộ ngành, đủ cả 9 tỉnh Duyên hải miền Trung, và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế… Diễn đàn sẽ đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp, hiệu quả và thiết thực với các tỉnh miền Trung.

Đối với viêc phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung, PGS.TS Vũ Minh Khương - ĐHQG Singapore cho rằng: Thách thức lớn nhất đối với các tỉnh miền Trung là còn nghèo, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân ở 9 tỉnh miền Trung, ngoại trừ Đà Nẵng, đều thấp hơn so với mức trung bình cả nước và chưa trở thành điểm hấp dẫn đầu tư, tạo việc làm dẫn đến một xu thế mất dân do họ phải đi tìm cơ hội việc làm ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung dường như chưa có một chiến lược phát triển và phối hợp thực hiện hiệu lực, biến thách thức thành sức mạnh, biến cơ hội thành bước tiến vượt bậc, càng được ưu đãi đầu tư thì càng bị sút giảm về hiệu quả và năng suất.

TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung chia sẻ những nhìn nhận đối với vấn đề phát triển các KCN, KKT trong liên kết các tỉnh hiện nay: Thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất cản trở Việt Nam có thể khai thác các tiềm năng một cách tối ưu là một vấn đề đã được nhận ra từ lâu. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, tuy nhiên, theo chúng tôi các tư duy và cách thức phát triển mô hình KCN và KKT trong ba thập kỷ qua là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề này. Những “bức tường” quanh các KCN và KKT rất thích hợp cho cát cứ và chia cắt. Do vậy, các cơ chế chính sách trong thời gian tới cần phải phá bỏ chúng nhằm tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương với nhau. Chìa khóa chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan một cách thực chất để tạo động cơ khuyến khích.

Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn bày tỏ: Một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp… Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình, vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.

Hướng phát triển nào cho các tỉnh miền Trung, PGS.TS Vũ Minh Khương - ĐHQG Singapore đưa ra giải pháp đó là: Một hướng đi có tính nền tảng và đem lại hiệu quả rất cao trong thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung là các tỉnh nhận thức rõ và nỗ lực chung sức kiến tạo sức mạnh cộng hưởng. Sức mạnh cộng hưởng tạo được tạo ra từ nhiều nguồn. Nó sẽ giúp mỗi tỉnh có sức hút mạnh mẽ hơn với các nhà đầu tư. Nó thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vùng này không chỉ bởi ưu đãi và nhiệt tình giúp đỡ của từng tỉnh mà là vị thế chiến lược và tương lai tươi sáng mà các tỉnh tạo nên nhờ nền tảng liên kết cộng hưởng của mình.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load