Thứ sáu 19/04/2024 08:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 hiện đạt trên 65%

21:23 | 11/11/2021

(Xây dựng) - Đây là thông tin được đề cập tại Hội thảo “Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra chiều 11/11, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức.

dich vu cong truc tuyen muc do 3 va 4 hien dat tren 65
TS Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử nhưng cách triển khai mới, nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không” (họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt).

Chính phủ số thêm “bốn có” (có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển), dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

dich vu cong truc tuyen muc do 3 va 4 hien dat tren 65
Diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển Chính phủ số.

TS Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ, nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Chính phủ ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, thứ 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.

Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Và tính đến ngày 20/8/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%. Trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 27,71%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 43,40%.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước được vận hành, kết nối đến 100% các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cũng đã được xây dựng và vận hành như cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia cũng được vận hành, đã kết nối 100% các bộ, ngành, địa phương với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội.

Tính đến trung tuần tháng 8/2021, có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc năm 2020 đạt 90,8% (vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ).

dich vu cong truc tuyen muc do 3 va 4 hien dat tren 65
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp giải pháp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ số. Trong đó bao gồm nội dung chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số, từ hệ thống công nghệ thông tin sang nền tảng số; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

TS Nguyễn Thành Phong cho biết, các ý kiến đóng góp hội thảo sẽ được Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để đưa vào dự thảo Đề án. Dự kiến, Ban Kinh tế Trung ương trình Ban chấp hành Trung ương Đề án tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, vào tháng 10/2022. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, Ban Chấp hành Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết để lãnh đạo quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load