Thứ bảy 20/04/2024 01:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án điện gió tại Việt Nam

21:23 | 12/09/2021

(Xây dựng) - Những trở ngại và đình trệ do đại dịch Covid-19 gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT). Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

dich covid 19 anh huong nghiem trong den du an dien gio tai viet nam
Điện gió có tiềm năng phát triển ngành Năng lượng Việt Nam trong tương lai (Ảnh:EVN).

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn

Điện gió có những tiềm năng rất lớn cho tương lai ngành Năng lượng Việt Nam và việc hỗ trợ ngành Năng lượng tái tạo là cần thiết để bảo toàn sức hấp dẫn của quốc gia như là một điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Những mục tiêu năng lượng nhiều tham vọng được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã phản ánh cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu giảm thải carbon trong hệ thống năng lượng và cải thiện sức cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp và chính sách phù hợp, kịp thời để giữ gìn những thành quả đã đạt được là hết sức cần thiết.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Điện gió, có thể kể đến như tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài…

Theo kết quả khảo sát do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) thực hiện đối với ngành Điện gió, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra, do đó có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành điện gió

Ông Ben Blackwell, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết: “Trong một năm rưỡi trở lại đây, những gián đoạn trong đi lại, di chuyển nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 đã tái diễn tại nhiều quốc gia. Nhận thức được vấn đề đó, nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ và Hy Lạp đã đưa ra các gói chính sách cứu trợ hoặc cho các dự án thêm thời gian để đạt thời hạn vận hành thương mại. Sự hỗ trợ đó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc đầu tư và phát triển các dự án điện gió được duy trì dù cho có xảy ra những khó khăn trong thời kỳ đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà phát triển dự án. Tại Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ tương tự cũng rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19”.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC chia sẻ: “Việt Nam là một trong những thị trường điện gió có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho ngành Điện gió trên bờ, với tổng công suất đã vượt 500MW tính đến hết năm 2020. Chính phủ cần lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT để tạo điều kiện cho 4.000MW dự án điện gió có hiệu quả kinh tế và khả năng hiện thực hoá hoàn thành trong thời hạn hợp lý. Đây không phải là vấn đề nhỏ, vì nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo và hậu quả là một chu kỳ “phá sản” mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi”.

Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành Điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của Covid-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án, mà còn tác động tới tương lai ngành Điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Điều này có hàm ý chính sách quan trọng, bởi điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng mang tính bền vững, đáng tin cậy, mang tính bản địa với giá cả hợp lý cho Việt Nam./.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load