Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn,nâng cao hiệu quả bảo vệ di sản.
(Ảnh minh họa: Văn Điệp/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Đồng thời, nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...
Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bàn về sự thống nhất giữa dự thảo luật này với Luật Quy hoạch hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Quy hoạch chỉ có quy định danh mục quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, không có quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo dự thảo luật, trong quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lại tách ra thành loại di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt với loại di tích thông thường, với thẩm quyền, quy trình thủ tục khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hai phần này vẫn nằm trong loại quy hoạch đã được quy định, hay bổ sung thêm quy hoạch mới, căn cứ lập quy hoạch này như thế nào, loại quy hoạch nào được tổ chức thực hiện trong quy hoạch quốc gia?
Các ý kiến nhất trí cao việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa hiện hành. Đồng thời nhận thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất cố gắng xây dựng dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) và Hồ sơ dự án Luật đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cho rằng dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát thêm về tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật, đồng thời cần rà soát để khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản Văn hóa và các luật khác.
Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa đổi căn bản Luật Di sản Văn hóa là phù hợp. Đến nay, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, kỳ vọng sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sản phẩm của làng nghề thêu ren xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa… và cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí, đánh giá cao ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, góp ý chi tiết nhiều nội dung dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung đại biểu có ý kiến tại Phiên họp về: chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; định mức đơn giá trong các công trình văn hóa phải đảm bảo tuổi thọ lâu dài; vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7 tới; vấn đề thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh; nguồn lực đảm bảo kinh phí trong phân công, phân cấp, trách nhiệm thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Luật.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra, tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/di-san-van-hoa-can-duoc-coi-la-nguon-luc-cho-phat-trien-post940685.vnp