Thứ năm 28/03/2024 16:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Di dời ra khỏi nội thành: Cơ quan nhà nước phải làm gương

17:50 | 30/05/2023

Tại chỉ thị mới đây về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.

Có thể nói đây là một trong những "chìa khóa" quan trọng nhất để giải bài toán giao thông nội đô mà năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác trong tình trạng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Với thực trạng dân số tăng nhanh, tắc đường triền miền, các hạ tầng đô thị đều quá tải với cả chục triệu dân gốc từ nền văn minh lúa nước dồn nén trong các trung tâm đô thị ở Hà Nội, TPHCM…, thì mọi giải pháp như hạn chế phương tiện cá nhân, xây thêm đường, làm cầu vượt, đào hầm, phát triển giao thông công cộng… tuy cần thiết nhưng không thể giải quyết triệt để bài toán giao thông.

Đơn giản vì khi trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… vẫn nằm ở trung tâm thành phố thì hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người dân hàng ngày vẫn phải "hướng tâm" để làm việc, học tập, chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh. Việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là chống ùn tắc trong bối cảnh như vậy là nhiệm vụ bất khả thi với nguồn lực hạn chế. Nói theo cách dân dã là bó tay chấm com.

Di dời ra khỏi nội thành: Cơ quan nhà nước phải làm gương
Chính phủ quy hoạch khoảng 90 ha đất xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong hình là phối cảnh khu Tây Hồ Tây. (Đồ họa: VGP)

Đơn cử Hà Nội trung bình mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 160.000 người - tương đương một huyện lớn; kéo theo đó tốc độ gia tăng phương tiện giao thông khoảng 10%/năm, còn kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 - 4%/năm và quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Chỉ qua những con số đó chúng ta cũng có thể hình dung, và trong thực tế đúng như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Chuyện của xứ Việt cũng giống thế giới. Manila, Jakarta, Bangkok… cũng quá tải và ô nhiễm không kém Hà Nội vì lý do người dân khắp cả nước đổ về nơi đô thị, đổ về thủ đô để "mưu cầu hạnh phúc".

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, thủ đô nhiều nước lâm vào tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm… đến mức họ phải tính đến việc dời đô, chuyển trung tâm chính trị - hành chính đến nơi mới.

Nếu hỏi thủ đô của Malaysia ở đâu thì chắc là nhiều người Việt sẽ nghĩ đến địa danh Kuala Lumpur. Trong thực tế, vùng thủ đô của Malaysia vẫn là Kuala Lumpur, nhưng nơi đặt trụ sở của chính phủ, trung tâm hành chính và pháp lý của quốc gia này là thành phố Putrajaya. Đây vốn là vùng đất hoang vu, không có sông ngòi, cây xanh, cách Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam.

Từ năm 1995, Malaysia bắt đầu đổ hàng tỷ USD xây dựng thành phố mới Putrajaya nhằm biến nơi này thành thủ đô mới của quốc gia, còn Kuala Lumpur trở thành trung tâm kinh tế - nơi tha hồ xây building chọc trời.

Năm ngoái, Quốc hội Indonesia thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta đến vùng Kalimantan, cách thủ đô hiện tại tới 2.000km về phía đông bắc.

Lý do chính khiến Indonesia dời đô là Jakarta với dân số 10 triệu người thường xảy ra lũ lụt, ùn tắc và động đất. Trong khi đó khu vực xây dựng thủ đô mới ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên. Dự kiến chi phí di chuyển trung tâm hành chính của nước này sẽ tốn khoảng 33 tỷ USD.

Di dời ra khỏi nội thành: Cơ quan nhà nước phải làm gương
Cảnh ùn tắc giao thông quen thuộc ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị)

Nhiều nước quy hoạch thủ đô chính trị - hành chính nằm tách riêng các trung tâm kinh tế - thương mại, nhằm đảm bảo hạ tầng thực hiện chức năng thủ đô, tránh chồng chéo chức năng với các đô thị thiên về phát triển kinh tế, qua đó cũng tránh sự quá tải, ô nhiễm.

Ta thường tự hào "Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và văn hóa của cả nước". Chính vì có quá nhiều chức năng nên Hà Nội trở nên "thập cẩm", tất cả các hoạt động để thực hiện mọi chức năng đều dồn nén trong diện tích và không gian chật hẹp (Hà Nội đã mở rộng từ 2010 nhưng trung tâm thành phố thực tế chỉ mấy quận nội đô).

TPHCM cũng tương tự, đây là một siêu đô thị không chỉ có chức năng kinh tế mà còn thực hiện rất nhiều chức năng của một trung tâm hành chính, văn hóa phía Nam.

Ta chưa đến mức dời đô như nhiều nước trong khu vực, nhưng di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố (cả Hà Nội và TPHCM) là việc cần làm với một quyết tâm to lớn.

Nói là "to lớn" bởi trước hết nguồn lực để di dời, xây mới trụ sở, nhà trường, bệnh viện… là rất lớn. Nguồn lực đó không thể "đổi đất lấy hạ tầng" bởi nếu thay trụ sở bằng chung cư, trung tâm thương mại thì bài toán giao thông không giải được mà thậm chí ùn tắc hơn, ô nhiễm hơn, nghĩa là không đạt được mục đích giảm tải nội đô.

Vì nguồn lực lớn nên chúng ta sẽ phải thực hiện theo lộ trình, nhưng lộ trình khác với ì ạch. Ở đây rất cần trách nhiệm người đứng đầu. Người dân đã nghe nói đến chuyện di dời nhiều năm nay và đã chứng kiến sự ì ạch. Nói đâu xa, hai bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức có chủ trương di dời ra Hà Nam với các dự án tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chậm tiến độ nên công trình để lãng phí dưới nắng mưa nhiều năm qua.

Để thực hiện "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…" thì cần một danh sách di dời, lộ trình thực hiện. Tất cả phải công khai.

Cuối cùng, khi đã nói đến di dời ra ngoại thành thì ở chiều ngược lại dứt khoát không được phê duyệt thêm công trình lớn ở nội đô. Tôi rất khó hiểu khi đọc chỉ thị của Ban Bí thư và đọc thông tin trên báo về đề xuất của một bộ xây thêm nhà hát tầm cỡ quốc gia phía sau Nhà hát Lớn.

Lần ngược lịch sử, năm 1.010 Lý Thái Tổ quyết định dời đô vì nhận thấy cố đô Hoa Lư bị núi đá bao quanh, chỉ thuận tiện cho việc phòng thủ, không thích hợp cho việc phát triển.

Cách đây hơn 1.000 năm, người xưa làm gì có ảnh vệ tinh để nhìn được toàn cảnh Đại La. Thế mà cha ông chúng ta thấy được mảnh đất Thăng Long cho nghìn năm sau, xuyên lịch sử, xuyên không gian và vượt qua thời gian.

Ngày nay chúng ta lên trực thăng nhìn Thủ đô phía dưới hoặc xem những cảnh quay từ trên cao sẽ thấy ngay việc di dời có đáng làm không, và chắc chắn là sẽ có quyết tâm to lớn.

Trong lộ trình di dời, các cơ quan nhà nước phải làm gương. Nếu còn bàn cãi và lo quy hoạch để cơ quan mình ở lại, nhà mình ra ngoài mặt đường, rồi nghĩ cách giải quyết trong phòng máy lạnh, thì rồng Thăng Long chỉ vùng vẫy quanh cái "ao làng".

Theo Hiệu Minh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load