(Xây dựng) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ “điểm nghẽn” đầu tư công hiện nay.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn Internet) |
Theo đó, chỉ còn gần một tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2019, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm trễ. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm cả việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 11 tháng qua ước mới đạt hơn 231.600 tỷ đồng, bằng 58,16% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 53,96% dự toán năm. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức đạt được của cùng kỳ năm 2018 (đạt 65,54% kế hoạch giao và bằng 64,27% dự toán năm), năm được cho là cũng “khá chậm trễ” trong giải ngân vốn đầu tư công.
Điều đáng nói là, ngoại trừ giải ngân vốn trong nước đạt 61,82% kế hoạch, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài rất thấp, tương ứng chỉ đạt 33,17% và 30,89% kế hoạch.
Nếu so sánh giữa giá trị thực hiện và giá trị vốn giải ngân, thì vẫn còn khoảng 67.700 tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục thanh toán. Song báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “Cả tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài”.
Trong khi một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80-90% kế hoạch, thì cũng còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Ngoại giao (5,62%), Bộ Y tế (26,7%), Bộ Tư pháp (26,3%), Ngân hàng Nhà nước (9,29%), Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (11,17%), Đồng Nai (27,67%)…
Sự chênh lệch lớn trong tỷ lệ giải ngân đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra là “có nguyên nhân chủ quan”, bởi không thể cùng thể chế, chính sách, có nơi giải ngân cao, có nơi giải ngân rất thấp. Và để đẩy nhanh vốn đầu tư công trong tháng 12 này, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải đẩy mạnh kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc làm cản trở quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải làm sao để không xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát việc phân bổ vốn đầu tư, tránh tình trạng để dư nguồn, không phân bổ hết khá lớn như hiện nay.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cuối tháng 10, Thủ tướng đã có Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Các biện pháp cắt, điều chuyển vốn đầu tư từ các bộ, ngành, địa phương, dự án chậm triển khai cũng đã được mạnh tay thực hiện.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019. Cụ thể, điều chỉnh giảm 3.240 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các dự án được giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh tăng 2.528,6 tỷ đồng cho các dự án trong nội bộ của bộ, ngành và địa phương.
Điều chỉnh tăng 321,53 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2016-2020 cho nhiệm vụ quy hoạch ngành quốc gia và các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và tỉnh Khánh Hòa.
Điều chỉnh tăng/giảm 971,56 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các dự án từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% vốn nước ngoài tại bộ, ngành, địa phương; điều chỉnh tăng/giảm 519,4 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ của các bộ, ngành và địa phương.
Ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): “Từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều”.
PV
Theo