(Xây dựng) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt.
Thủ tục đầu tư đặc biệt là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoản 12 Điều 36a Luật Đầu tư (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) giao Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt.
Thủ tục đầu tư đặc biệt là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Theo đó, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Kể từ thời điểm Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 36a có thể đăng ký đầu tư theo quy định mới. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Luật số 57/2024/QH14 thủ tục đầu tư đặc biệt cũng được áp dụng đối với các dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 8 Điều 2 của Luật này. Như vậy, kể từ ngày 15/1/2025, các dự án công nghệ cao đang hoạt động, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Điều 36a cũng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án.
Vì vậy, việc quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện được Điều 36a, bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện quy định mới về thủ tục đầu tư đặc biệt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Dự thảo quy định rõ về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, dự thảo quy định chi tiết nội dung cam kết của nhà đầu tư về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy tại văn bản đăng ký thực hiện dự án đầu tư; quy định chi tiết nội dung nhận dạng, dự báo các tác động đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tại đề xuất thực hiện dự án đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư tương tự dự án đã được thực hiện ở Việt Nam hoặc nước ngoài thì nhà đầu tư có thể nộp các tài liệu, hồ sơ đã được phê duyệt của dự án đó thay cho đề xuất dự án đầu tư nhưng phải có các nội dung của đề xuất dự án đầu tư quy định.
Đối với thủ tục bảo đảm thực hiện dự án, dự thảo nêu rõ, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Nhà đầu tư được hoàn trả 50% số tiền ký quỹ hoặc giảm 50% mức bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư gửi Ban quản lý văn bản thông báo khởi công kèm theo các tài liệu quy định tại khoản 8 Điều 36a của Luật Đầu tư; hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có) hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư đã hoàn thành việc tự nghiệm thu công trình xây dựng.
Về trách nhiệm thông báo khởi công của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng: Chậm nhất là 30 ngày trước khi khởi công xây dựng, nhà đầu tư có trách nhiệm thông báo khởi công với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương và Ban quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 36a của Luật Đầu tư.
Về việc thực hiện dự án đầu tư, dự thảo quy định: Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các cam kết về xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện đúng cam kết của mình. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cam kết thì bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, ngừng, chấm dứt hoạt động và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Điều 47, Điều 48 của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Ngọc Linh
Theo