Thứ hai 16/12/2024 17:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được định hướng trở thành cửa khẩu tiên tiến nhất khu vực ASEAN

11:35 | 16/12/2024

(Xây dựng) – Theo dự kiến, tổng mức đầu tư cửa khẩu thông minh là gần 8.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ biến Lạng Sơn thành khu giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động, lớn nhất giữa Trung Quốc với nước ta và khu vực ASEAN.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được định hướng trở thành cửa khẩu tiên tiến nhất khu vực ASEAN
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Sớm trở thành cửa khẩu kiểu mẫu

Là địa phương "phên dậu" phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lạng Sơn cần chú trọng làm tốt công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, mỗi người dân là một cột mốc bảo vệ biên giới, chủ quyền; đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy giao thương, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg (ngày 17/8/2024) phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án.

Xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089. Phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác; xây dựng của khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.

Việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân hai bên biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2027. Nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800-1.200 xe/ngày.

Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000-3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được định hướng trở thành cửa khẩu tiên tiến nhất khu vực ASEAN
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được định hướng trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, tiên tiến nhất khu vực ASEAN.

Điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện thể chế

Cũng theo Kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai Đề án phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ gắn với trách nhiệm và việc thực hiện các nhiệm vụ hằng năm của các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện Đề án đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Dự kiến, việc đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu Trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Quy hoạch chung thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; Quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu Hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.

Đầu tư xây dựng mở rộng các đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 từ 6 làn xe lên 14 làn xe; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe; đầu tư xây dựng Nhà làm việc liên ngành tại khu vực đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089. Giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích mở rộng các tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá, diện tích xây dựng nhà làm việc liên ngành và phần diện tích cần thiết để thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh. Đầu tư xây dựng hạ tầng bến bãi và trang thiết bị, phương tiện phục vụ triển khai cửa khẩu thông minh.

Giai đoạn 2 sẽ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; điều chỉnh mở rộng quy mô cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng và lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch theo quy định. Tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng hạ tầng bến bãi và trang thiết bị, phương tiện phục vụ triển khai cửa khẩu thông minh.

Ngoài ra, các nội dung cần thực hiện đó là xây dựng và ký kết với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây về cơ chế gặp gỡ, trao đổi thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Xây dựng các quy định, hướng dẫn về việc triển khai xây dựng và vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa, công tác tuyên truyền. Về quản lý, vận hành phương tiện xe dẫn đường thông minh; triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án cửa khẩu thông minh là 7.966 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 1 kinh phí thực hiện là 2.485 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 5.481 tỷ đồng). Kinh phí xã hội hóa đầu tư là hơn 6.630 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục hạ tầng logistics, phương tiện, trang thiết bị máy móc (bao gồm xe tự hành AGV, cẩu gắp container, hệ thống giám sát tự động, hệ thống viễn thông 5G…). Dự kiến huy động vốn từ các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, các tập đoàn, tổng công ty lớn có kinh nghiệm, năng lực phối hợp triển khai thực hiện dựa trên hạ tầng sẵn có của các doanh nghiệp để sử dụng tối đa nguồn lực của nhau, đảm bảo hiệu quả đề án khi đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.335 tỷ đồng để mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

Ngoài ra, nguồn ngân sách Trung ương là 460 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị chuyên dùng kiểm tra, giám sát hải quan để phục vụ cửa khẩu thông minh. Nâng cấp cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập khẩu.

Phượng Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load