(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định, để thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về cơ bản vẫn giữ các điều kiện phát hành trái phiếu và chỉ sửa đổi 01 điều kiện tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định “mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng” (gấp 1.000 lần so với trước đây), nên mặc dù không nói là “thắt chặt” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thực chất với các quy định “bổ sung” rất chặt chẽ (trên đây) thì đã “kiểm soát chặt hơn” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích đảm bảo năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Mặt tích cực của quy định này là buộc các doanh nghiệp phải rất nỗ lực “tự nâng cao năng lực” của mình để đạt các tiêu chuẩn “rất chặt chẽ” của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP thì mới đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này tốt cho cả thị trường trái phiếu, cho cả chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trái phiếu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội nhận thấy, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 2 thị trường có mục đích và phương thức hoạt động hoàn toàn khác nhau và độc lập với nhau.
Cụ thể, một là, theo Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì “thị trường chứng khoán” như là “thị trường mẹ”, còn “thị trường trái phiếu doanh nghiệp” như là “thị trường con”.
Bởi lẽ, muốn trở thành “nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp” thì trước hết phải đã là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, chẳng những thế, không phải “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” nào cũng có thể trở thành “nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp” mà còn phải đáp ứng điều kiện “phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề”, mà “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” hầu hết có trình độ, có kỹ năng và có “máu mê chứng khoán”, mà đã “nghiện chứng khoán” thì có thể “dốc túi” để “chơi chứng khoán” và chấp nhận tính “may rủi, hên xui” của thị trường chứng khoán (bởi lẽ sẽ biết ngay “thắng-thua” và nếu thắng thì được thanh toán ngay theo phương thức T+2,5) thì khó mà còn tiền nhàn rỗi để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cũng có thể không có nhiều nhà đầu tư vừa đầu tư chứng khoán, vừa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Hai là, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lại phù hợp với nhiều người không có nhiều tiền nhàn rỗi (trong đó có người chỉ có vài chục triệu đồng), chưa từng “chơi chứng khoán” do không có hiểu biết và không có kỹ năng nên không thể “chơi chứng khoán”, nhưng lại muốn đầu tư kiểu “ăn chắc mặc bền” bằng cách “mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” để được hưởng lợi nhuận cố định theo kỳ hạn thì nay lại không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp vì không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, hơn nữa với mệnh giá trái phiếu tối thiểu là 100 triệu đồng thì những người có số tiền nhàn rỗi dưới 100 triệu đồng cũng không còn cơ hội mua trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn tiền “nhàn rỗi” này của rất nhiều người trong xã hội nếu cộng lại sẽ rất lớn, nên cần có chính sách để huy động theo chủ trương “xã hội hóa đầu tư” thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên những người này chỉ còn cách gửi tiền tiết kiệm với lãi suất thấp hơn, tuy không rủi ro nhưng không đạt như kỳ vọng.
HoREA cho rằng, quy định về “nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” và “phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề” vô hình chung lại có lợi cho “thị trường chứng khoán” được “đón” trước nguồn vốn của các nhà đầu tư cá nhân và “các ngân hàng thương mại” có thể nhận được nguồn tiền nhàn rỗi nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng của nhiều người trong xã hội do gần như chỉ còn cách lựa chọn gửi tiết kiệm là thuận tiện nhất.
HoREA đánh giá, ở giai đoạn phát triển ban đầu của thị trường vốn nước ta như hiện nay thì cần tính linh hoạt nhiều hơn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức có năng lực như các quỹ đầu tư, nhưng bên cạnh đó vẫn tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định, để thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm một kênh đầu tư, nhất là sau khi đã có các quy định rất chặt chẽ của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Đồng thời, trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như đảm bảo “rủi ro” cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định.
Khôi Nguyên
Theo