(Xây dựng) – Ngày 9/6, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến đề xuất chính sách Luật Cấp, thoát nước.
Đại diện cơ quan xây dựng Luật Cấp, thoát nước, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đề cập đến đến thực trạng ngành nước, những bất cập khi thực thi quy định của pháp luật cũng như đề xuất một số chính sách cho dự thảo Luật Cấp, thoát nước.
Cần thiết phải ban hành Luật Cấp, thoát nước
Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: Trong bối cảnh ngành Nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, cũng như sức ép từ sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa, Hội Cấp, thoát nước Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, nâng cao vai trò hơn nữa nhằm đưa ngành Nước tiến tới một tương lai bền vững, đảm bảo thực hiện thành công chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra, cùng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 về đảm bảo nước sạch và dịch vụ vệ sinh cơ bản cho mọi người của Liên Hợp quốc.
Với mục tiêu đó, Hội Cấp, thoát nước Việt Nam tích cực tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan, với trọng tâm là Dự thảo Luật Cấp, thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.
Hội thảo do Hội chủ trì tổ chức lần này là cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành Nước đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện khung thể chể, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hiệu quả, đảm bảo nhu cầu dân sinh…
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cấp, thoát nước (Bộ Xây dựng), Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết: Toàn quốc hiện có hơn 750 nhà máy sản xuất nước sạch và 80 nhà máy xử lý nước thải. Số lượng các công ty này còn khá ít so với nhu cầu của gần 100 triệu dân.
Trước tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển dân số cơ học tại các đô thị lớn, công tác cấp, thoát nước đã bộc lộ nhiều bất cập.
Trên cơ sở thực tiễn và trên cơ sở pháp luật, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng triển khai xây dựng bộ luật cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Hiện Cục Hạ tầng kỹ thuật đang xây dựng dự thảo Luật gồm 7 Chương, 69 Điều và đề xuất 5 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết gồm: Phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Quản lý vận hành công trình cấp nước, thoát nước; Quản lý dịch vụ cấp nước, thoát nước; Tài chính trong hoạt động cấp nuớc, thoát nước; Quản lý nhà nuớc về cấp nước, thoát nước.
Ông Tạ Quang Vinh chia sẻ: Việc dựng chính sách pháp luật ngành Nước sẽ trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định từ Nghị 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử ký nước thải.
Dự thảo luật đồng thời nghiên cứu bổ sung các quy định, nội dung về cấp nước, thoát nước còn thiếu, khoảng trống trong các luật hiện hành; bổ sung các quy định có tính chuyên ngành bảo đảm tính đồng bộ với các luật khác…
Hội thảo do Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức thu hút sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Nước. |
Việc xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cộng đồng
Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng dự thảo luật, ông Đỗ Quý Phương - chuyên viên Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Để hình dung về quá trình xây dựng Luật thì nên xem xét chu trình cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. Đối với nguồn nước, cần nhận diện khó khăn bất cập ở các chu trình từ nhà máy xử lý nước sạch, hệ thống truyền tải, trạm bơm tăng áp, đến đơn vị tiêu thụ là người dân... từ đó đề xuất chính sách quản lý hiệu quả…
Riêng đối với thoát nước, nên quy định rõ ràng nguyên tắc, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị liên quan đến phát thải. Hiện nay, các kênh rạch tại đô thị lớn đang bị ô nhiễm do nguồn phát thải sinh hoạt. Do đó, nên có quy định cụ thể về thoát nước, có thiết chế mạnh mẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm…
Bà Nguyễn Bích Nguyệt - Chuyên viên Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi bày tỏ sự quan tâm đến nước sạch nông thôn. |
Đề cập đến cấp nước sạch nông thôn, bà Nguyễn Bích Nguyệt - chuyên viên Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Do đặc điểm địa hình khu vực nông thôn phức tạp nên tại nhiều nơi, việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do dân cư vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phân bố phân tán nên khó tiếp cận với cấp nước tập trung.
Hoạt động cấp nước sạch tại khu vực nông thôn mang tính chất đảm bảo an sinh xã hội nên giá nước sạch được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với mức chi trả của người dân nông thôn, dẫn tới giá nước chưa được tính đúng, tính đủ. Đơn vị cấp nước lại không được cấp bù giá nước theo quy định dẫn tới hoạt động kém hiệu quả do tiền nước thu được không đủ bù đắp chi phí quản lý vận hành…
Theo bà Nguyệt, để phát triển cấp nước sạch nông thôn thì cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt, cần có 1 chương quy định riêng về nội dung cấp nước sạch nông thôn trong Luật Cấp, thoát nước để đảm bảo thực hiện phát triển cấp nước sạch nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.
Ông Paul Smith - Chuyên gia về nước của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật sẽ là việc huy động nguồn tài chính cho các dự án nước. |
Ông Paul Smith - Chuyên gia về nước của Ngân hàng Thế giới thì cho rằng: Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải là dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe cộng đồng, là yếu tố cơ bản để phát triển môi trường bền vững và phát triển kinh tế ổn định. Việc xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh về nước và cho cộng đồng.
Ông Paul Smith nhấn mạnh: Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật sẽ là việc huy động nguồn tài chính cho các dự án. Ngân hàng Thế giới sẽ cùng hợp tác, hỗ trợ Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn các đơn vị huy động nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng.
Cần tháo gỡ bất cập chính sách trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước…
Cũng tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp ngành Nước đề các đến các bất cập trong quá trình hoạt động thực tế. Theo ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty nước, môi trường Bình Dương trước khi Luật Quy hoạch ra đời, các địa phương đã chủ động quan tâm, hướng tới công suất nhà máy xử lý, vị trí nhà máy xử lý và trạm, cửa thu nước thô.
Khi có Luật Quy hoạch, các hoạt động liên quan đến đầu tư dự án cấp thoát nước trình lên các cấp để xem xét chủ trương đầu tư đều xét yếu tố quy hoạch. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có quy hoạch, hoặc đang làm, chưa trình duyệt…
Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty nước, môi trường Bình Dương phát biểu tại hội thảo. |
“Đây là điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án. Một số địa phương đã có chỉ đạo bổ sung quy hoạch cục bộ để thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt dự án. Tuy nhiên cũng có nơi còn lúng tung nên tốc độ thực hiện dự án bị chậm lại, gây ách tắc cho việc triển khai dự án cấp thoát nước. Việc cung cấp nước lại bị động”, ông Thiền nói.
Ông Thiền cho rằng, không nên yêu cầu phải có quy hoạch đối với ống cấp nước phân phối. Nếu có, đơn vị thực hiện có thể làm cho người dân để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Phan Hoài Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Công ty gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn. Hiện chưa có quy định về việc quản lý đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống công trình ngầm (cấp nước, thoát nước) tại các khu vực địa điểm trọng yếu; còn thiếu quy định để quản lý, điều hành hệ thống cấp thoát nước…
Đơn vị này đề xuất nên có chính sách phát triển hệ thống thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; cần nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước đô thị bền vững; Xây dựng quy định quản lý cao độ san nền quy hoạch thoát nước; quy định phân cấp, phân quyền công tác duy tu, duy trì công trình thoát nước; quy định cụ thể về công tác giám sát, nghiệm thu công tác quản lý vận hành duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, và xử lý nước thải; quy định về xả nước thải tại điểm đấu nối đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thực phẩm…
Các đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách thống nhất quản lý giữa các Bộ, ngành đối với ngành Cấp thoát nước; Những bất cập trong việc thực thi chính sách cần được tháo gỡ trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước…
Yến Mai
Theo