Thứ ba 19/03/2024 12:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE: Kinh phí duy trì từ đâu?

20:27 | 22/09/2020

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh của JVE được dư luận quan tâm về nguồn vốn, tính khả thi cũng như thời gian hoàn thành dự án này.

de xuat cai tao song to lich cua jve kinh phi duy tri tu dau
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh" sông Tô Lịch. Ảnh: JVE.

Kinh phí duy trì hoạt động từ đâu?

Ngày 16.9, Công ty JVE gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Chia sẻ về vấn đề nguồn vốn Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE chia sẻ: “Chúng tôi không đưa ra bất kỳ ràng buộc nào khi triển khai dự án này với Hà Nội. Kể cả phía JVE hay Nhật Bản hay nhà đầu tư nào được khai thác kinh doanh từ công viên này. Vì đây là dịch vụ công ích nên Thành phố tự lập ban quản lý, người dân miễn phí cửa vào”.

Liên quan đến vấn đề công viên sẽ được vận hành và duy trì như thế nào, đại diện JVE khẳn định, JVE không đặt điều kiện cho thành phố để quản lý nguồn thu hoặc kinh doanh. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch trong lòng sông như thuyền rồng, giao thông bằng đường thuỷ hay một số dịch vụ khác thì thành phố sẽ thu làm công ích để có thể trang trải một phần chi phí như điện.

Tuy nhiên, khi tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng. Cùng với đó, máy Nano chỉ sử dụng 6/24 giờ, không phải vận hành 24/24 khi sông đã được làm sạch. Điều này cũng góp phần giảm chi phí điện xuống đáng kể, không ảnh hưởng quá lớn đến vần đề duy tu bảo trì. Chúng tôi cố gắng để chi phí duy trì xuống mức thấp nhất có thể, đại diện JVE thông tin thêm.

5 năm sẽ hoàn thành dự án

Nói về tính khả thi của dự án, GS Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường) nhận định: "Nếu dự án thành công, người dân Hà Nội, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ dự án này. Để biến dự án này thành thật các chuyên gia, những người thực hiện đề xuất này cần thời gian, tiến hành cải tạo từng bước".

de xuat cai tao song to lich cua jve kinh phi duy tri tu dau
GS Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường). Ảnh: Tùng Phạm.

Vấn đề thời gian làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE chia sẻ: "Để dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công, việc đồng bộ giữa các dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong vòng 4 năm (đã thực hiện được 6 tháng) cùng với dự án thu gom nước thải là điều cần thiết. Theo tính toán, dự án cải tạo sông Tô Lịch được thực hiện làm song song với những dự án trên thì mất tối thiểu 5 năm (2021- 2026) để hoàn thành".

Như trước đó đã đưa tin, theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Ngày 16.5.2019, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.

Tuy nhiên, vào ngày 9.7.2019, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25cm. Việc tiếp nhận nước từ hồ Tây khiến hệ toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi. Để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan, Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý kéo dài thêm 2 tháng.

Ngày 16.9.2019, lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá Koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Đến ngày 16.9.2020 JVE đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo Nhóm Phóng viên/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load