(Xây dựng) - Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Cụ thể, dự thảo đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ như sau:
Phương án 01:
Cơ cấu tổ chức tương tự cơ cấu tổ chức đã quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP gồm Hội đồng thành viên (HĐTV), Ban Kiểm soát, Giám đốc và bộ máy giúp việc. HĐTV làm việc chuyên trách, Chủ tịch HĐTV là người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu Quỹ. Giám đốc, Phó Giám đốc do HĐTV bổ nhiệm, tuyển dụng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ KH&ĐT. Ban Kiểm soát do Bộ KH&ĐT bổ nhiệm, giúp Bộ KH&ĐT giám sát hoạt động của HĐTV, Giám đốc và bộ máy giúp việc.
Dự thảo bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT (Điều 57) gồm: (i) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước với Quỹ, quản lý chỉ đạo người đứng đầu Quỹ theo quy định của Bộ; (ii) Thực hiện phê duyệt các chỉ tiêu chính kế hoạch hoạt động, chấp thuận Báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ; (iii) Thông qua Ban Kiểm soát giám sát hoạt động của HĐTV, Chủ tịch HĐTV.
Sửa đổi, bổ sung để làm rõ thẩm quyền của HĐTV trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ, trong đó có quyết định hoặc phân cấp cho Chủ tịch HĐTV, Giám đốc quyết định cho vay, tài trợ, xử lý rủi ro cho vay trực tiếp.
Sửa đổi, bổ sung để làm rõ mối quan hệ giữa Bộ KH&ĐT, HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Kiểm soát viên và Giám đốc trong quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ.
Theo Bộ KH&ĐT, căn cứ, lý do sửa đổi, bổ sung là: Kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP; chỉ thay Kiểm soát viên bằng Ban Kiểm soát; sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của HĐTV, Chủ tịch HĐTV và Giám đốc trong quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ; căn cứ quy định pháp luật hiện hành làm rõ quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý Quỹ, Trưởng ban Kiểm soát, Kiểm soát viên theo yêu cầu quản lý của Bộ KH&ĐT. Việc bổ sung, điều chỉnh này giải quyết các vướng mắc trong 3 năm vừa qua khi Quỹ triển khai hoạt động theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.
Ưu điểm của Phương án 1 là: Giữ nguyên được cơ cấu tổ chức hiện nay, không phải chuyển đổi mô hình.
Nhược điểm: Khung pháp lý về doanh nghiệp quá rộng so với hoạt động của Quỹ. Mô hình như giai đoạn vừa qua triển khai công việc gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân thấp, các công việc thường gặp ách tắc do cơ chế ra quyết định tập thể là Hội đồng không đề cao được trách nhiệm vai trò người đứng đầu. Bộ máy tổ chức phức tạp, nhiều tầng nấc. Phải bố trí nhiều vị trí nhân sự Lãnh đạo, quản lý. Hiện chưa có Quỹ nào ngoài Quỹ Phát triển DNNVV hoạt động theo mô hình này.
Phương án 02:
Thay đổi cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm Hội đồng quản lý, Kiểm soát viên và Cơ quan điều hành Quỹ. Hội đồng quản lý làm việc kiêm nhiệm, Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu, chủ tài khoản của Quỹ. Giám đốc quyết định cho vay, tài trợ vốn cho DNNVV. Kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT bổ nhiệm, giúp Bộ KH&ĐT, Hội đồng quản lý giám sát hoạt động của Cơ quan điều hành.
Đồng thời bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT (Điều 57): (i) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước với Quỹ, (ii) Quản lý, chỉ đạo người đứng đầu Quỹ, (iii) Thực hiện các công việc theo quy định tại Nghị định để định hướng, chỉ đạo hoạt động của Hội đồng quản lý, Giám đốc.
Sửa đổi, bổ sung để làm rõ mối quan hệ giữa Bộ KH&ĐT, Hội đồng quản lý, Kiểm soát viên và Giám đốc trong quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ.
Bộ KH&ĐT cho biết, căn cứ, lý do sửa đổi bổ sung là: (i) Tham khảo mô hình Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ đầu tư phát triển địa phương; (ii) Cơ cấu tổ chức theo phương án này gần giống với cơ cấu tổ chức của Quỹ Phát triển DNNVV đã được quy định tại Quyết định 601/QĐ-TTg, tuy thời gian triển khai ngắn nhưng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Ưu điểm của Phương án 2 là: Bộ máy tổ chức tinh gọn, ít tầng nấc, không có tầng lớp trung gian trong điều hành hoạt động Quỹ. Bộ KH&ĐT thuận lợi trong việc quản lý Quỹ, quản lý Lãnh đạo Quỹ tương đương với các đơn vị thuộc Bộ (Giám đốc là người đứng đầu, Phó Giám đốc là cấp phó người đứng đầu). Tương đồng với mô hình một số Quỹ đang hoạt động ổn định hiện nay như Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Nhược điểm: Phải chuyển đổi mô hình tổ chức, nhân sự Lãnh đạo Quỹ hiện nay. Phải điều chỉnh một số quy định nội bộ (Tuy nhiên số lượng văn bản phải điều chỉnh không nhiều do vẫn vận dụng hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định một số đặc thù hoạt động của Quỹ cụ thể tại dự thảo Nghị định).
Cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên lựa chọn phương án 02.
Ánh Dương
Theo