Thứ bảy 27/04/2024 01:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Để thuế thu nhập cá nhân bớt… rối rắm

11:09 | 15/04/2022

Khi nói về sự phức tạp của kỹ thuật lập pháp, nhiều người thường dẫn phát biểu nổi tiếng của triết gia người Đức Bismarck, "có hai thứ rối rắm nhất trần đời là làm xúc xích và làm luật".

de thue thu nhap ca nhan bot roi ram

Tất nhiên đây chỉ là một sự ví von. Nhưng trong cuộc sống không ít trường hợp quả thực như vậy. Chẳng hạn như, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh - số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế - phù hợp với biến động của giá cả.

Điều tôi băn khoăn là tại sao 20% mà không phải 10% hay tỷ lệ khác. Bởi vì, với người làm công ăn lương thì giá cả biến động 10% đã là một tỷ lệ đáng kể, nôm na nếu tính theo bữa ăn thì chỉ 3 ngày đã hụt mất gần 1 bữa. Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê, là cơ quan tin cậy của Nhà nước công bố, vậy nên chăng chúng ta thiết kế một quy trình tối ưu hóa để khi CPI chạm ngưỡng biến động trên 10% hoặc 20% thì mức giảm trừ gia cảnh kỳ gần nhất sẽ điều chỉnh tự động theo các mức được ấn định tương ứng và áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Như vậy sẽ tiết kiệm nguồn lực cho các cơ quan, không cần thiết phải thực hiện quy trình soạn thảo văn bản và họp để quyết định vì tất cả đã được luật hóa.

Quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện hành cũng khiến tôi khi có dăm bảy nguồn thu nhập vãng lai và nhỏ, thì dường như không có cách gì để tính đúng khớp số tiền phải nộp thuế, bởi vậy thường xuyên chịu cảnh không nộp thừa thì lại thiếu tiền thuế.

Dù sao, điều đáng mừng là hiện nay Bộ Tài chính đang đề xuất và lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, bao gồm các vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, nới khoảng cách giữa các bậc thuế suất với thu nhập từ tiền lương, tiền công…

Trước hết, tôi cho rằng chúng ta phải xác định triết lý của từng đạo luật, từng sắc thuế, từ đó mới đi vào các vấn đề kỹ thuật như là loại thu nhập nào phải chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến thiết kế ra sao. Chúng ta đồng thuận về triết lý thì sẽ dễ tìm được thống nhất khi đi vào chi tiết.

Trước đây, người có thu nhập cao mới phải nộp thuế, còn hiện nay nguyên tắc là cứ phát sinh thu nhập thì phải nộp thuế. Cùng với đó, cơ quan quản lý đưa ra các mức giảm trừ gia cảnh để loại trừ nhóm phải nộp thuế ở mức thấp. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay lại không dựa vào mức sống tối thiểu hay thu nhập bình quân đầu người, cũng không hẳn là căn cứ vào lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy dường như mức nào cũng nhận được phản biện, thắc mắc. Trong bối cảnh hiện nay, không ít ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí thành 18-20 triệu đồng/tháng vì vật giá đã leo thang và mức 11 triệu đồng/tháng đã trở nên lạc hậu. Cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%.

Như vậy, lần sửa đổi thời gian tới (khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép), ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở của mức giảm trừ gia cảnh và nên thiết kế linh hoạt gồm khấu trừ cố định tối thiểu như hiện nay và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn, chứng từ. Tôi đơn cử, một người tuy thu nhập khá cao, nhưng họ phải chi phí lớn cho chữa bệnh, thuê nhà ở, học hành của các con, thành ra họ sống rất chật vật nhưng lại nộp thuế cao. Trong khi đó, những người có thu nhập thấp hơn song "chi phí gia cảnh không lớn" thì lại ở ngưỡng nộp thuế thấp. Hay nói cách khác, cuộc sống đa dạng, có người 5-7 triệu đồng mỗi tháng là đủ sống, có người 20 triệu đồng vẫn chưa đủ vì các lý do khách quan, nên người ta dù thu nhập cao mà vẫn xoay sở vất vả. Nói như vậy không có nghĩa là phải đánh thuế cao hơn nhóm "chi phí gia cảnh không lớn", mà vấn đề ở chỗ chúng ta cần có cách tiếp cận sửa đổi Luật theo hướng hợp lý hơn nữa, tránh cào bằng và có tính đến cuộc sống, chi phí thực tế của người dân.

Điểm tiếp theo, chúng ta biết rằng thuế thu nhập cá nhân là một trong ba sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước hằng năm, với 110.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu cân đối ngân sách của năm 2021. Nghĩa là thuế thu nhập cá nhân chỉ xếp sau hai sắc thuế trụ cột của nền kinh tế là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, diện đóng thuế chưa phủ đều. Theo thống kê, những người làm công ăn lương - chỉ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động - là nhóm đóng góp chính với 70% nguồn thu thuế thu nhập cá nhân. Lần sửa đổi này, ban soạn thảo cần rà soát các nhóm như bán hàng online, giới nghệ sĩ, cá nhân tự doanh, chuyển nhượng bất động sản… để bảo đảm việc đánh thuế công bằng và minh bạch. Trong thực tế, nếu tôi là người làm công ăn lương, cuối năm chỉ phát sinh vài triệu đồng thu nhập trên ngưỡng giảm trừ gia cảnh cũng sẽ bị tính thuế. Còn có những cá nhân tự doanh có thể thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng song tổng số thuế phải nộp không đáng bao nhiêu, vì không quản lý, nắm bắt được chính xác thu nhập của họ.

Cuối cùng, để Luật thuế thu nhập cá nhân bớt rối rắm, theo tôi nên điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 bậc thuế dày đặc hiện nay về còn 3 bậc. Trong đó, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng; bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng; và bậc cao là trên 100 triệu đồng. Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 2% (thay vì 5% như hiện nay), bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Cách thiết kế này sẽ giúp người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, nhất là nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng.

Bao giờ cũng vậy, khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, nhất là ở thời kỳ "hậu Covid".

Theo Trương Thanh Đức/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load