Thứ năm 26/12/2024 21:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng

17:43 | 25/05/2024

(Xây dựng) - “Giao thông là mạch máu của nền kinh tế”, “Giao thông đến đâu phát triển đến đó”, “Giao thông giúp chuyển hoá tiềm năng thành nguồn lực kinh tế”… Đó là những nhận định cho thấy tầm quan trọng của hệ thống giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, rộng ra là một quốc gia. Với Cao Bằng - một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, mạng lưới giao thông càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xuất phát từ yêu cầu đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang được nhanh chóng triển khai, nhằm chuyển hóa nhanh nhất các tiềm năng thành nguồn lực kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Đảm bảo tiến độ

Những ngày cuối tháng 4/2024, trên công trường dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nắng hè đã bắt đầu gắt. Trong trang phục công trường bụi bặm, ông Trần Chung Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568, nhà đầu tư liên danh thực hiện dự án chỉ cho phóng viên các công việc đơn vị đang thực hiện. Ông Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công ngày 1/1/2024, Công ty được giao thực hiện hơn 55km cao tốc. Hiện tại, Công ty đang triển khai thi công tại 5 vị trí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đang được các cơ quan đốc thúc triển khai, với các vị trí có mặt bằng, doanh nghiệp sẽ tiến hành dọn dẹp, bóc hữu cơ, thi công các đường công vụ.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Làm rõ thêm về tiến độ triển khai dự án, ông Hoàng Đức Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng, cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa phận tỉnh Cao Bằng được các đơn vị triển khai khẩn trương. Ngày 27/1/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án”. Tại huyện Thạch An, đã cơ bản kiểm đếm xong đất đai, tài sản, hoa màu trên địa bàn của 5/5 xã, thị trấn. Diện tích đã thực hiện 102,81ha/134,16ha, đạt tỷ lệ 76% diện tích đất thu hồi của hộ gia đình cá nhân. UBND huyện Thạch An đã bàn giao cho doanh nghiệp dự án khoảng 20,46km/21,7km, tương ứng khoảng 92,14ha.

Tại huyện Quảng Hòa, ông Hoàng Đức Thọ cho biết, đã cơ bản đo đạc và kiểm đếm xong đất đai, tài sản, hoa màu tại 11/12 xóm thuộc 4 xã, thị trấn. Diện tích đã thực hiện khoảng 115,6 ha/125,49ha, tương ứng 92,1% diện tích đất thông báo thu hồi. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác xác định nhân khẩu, nghề nghiệp và nguồn gốc đất. Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Quảng Hòa đã bàn giao cho doanh nghiệp dự án khoảng 11,15km/19,8km, tương ứng khoảng 70,22ha, đạt tỷ lệ 56%; 100% mộ, thổ công đã di chuyển xong.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Ông Trần Chung Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568 (đứng thứ 2 từ trái sang).

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568 Trần Chung Tuấn đánh giá: Công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn tỉnh Cao bằng được thực hiện khá tốt. Bà con nhân dân nơi dự án đi qua đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ngay cả khi chưa nhận được tiền đền bù. Việc giải phóng mặt bằng khó nhất là khi vướng các khu mộ, miếu, đền… Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568, một vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc xác định vị trí các bãi đổ thải và thủ tục về cấp phép mỏ đất san lấp. Hiện doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của tỉnh đang nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc này. Ngoài khó khăn này, tiến độ các công việc khác đang được đảm bảo theo kế hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông.

Một dự án trọng điểm khác được UBND tỉnh Cao Bằng gấp rút triển khai là dự án cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông (huyện Hà Quảng). Dự án có chiều dài 30,349km, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2021 - 2024. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng, hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng của dự án cơ bản đã hoàn thành. Tiến độ thực hiện 3 gói thầu thi công xây lắp được đảm bảo. Đa phần các gói thầu đang thực hiện cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa. Đặc biệt, tại gói thầu thi công xây lắp số 03, cầu Km2+608,07 và cầu Km8+913,63 đã cơ bản hoàn thành cầu và thông xe kỹ thuật. Hiện tại, khối lượng toàn bộ dự án ước đạt khoảng 89% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc để hoàn thành dự án trong năm 2024 như kế hoạch đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Các nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc để hoàn thành dự án trong năm nay.

Ngoài 2 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên, tỉnh Cao Bằng cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm khác như: Dự án đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh); dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 205; dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; dự án cầu Bản Đe (Sông Gâm) kết nối Quốc lộ 34 - xã Quảng Lâm, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm; dự án cải tạo nâng cấp đường giao thông Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) - Hồng Nam (huyện Hoà An)… Đây đều là các dự án trọng điểm, khi hoàn thành có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Công trường dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang dần thành hình.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã chỉ ra các điểm nghẽn, nút thắt của tỉnh. Đáng chú ý, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng đô thị đang còn yếu và thiếu đồng bộ. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đã xác định “Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số và quy hoạch sân bay gắn với liên kết vùng và liên kết vùng) nhằm sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng đảm bảo theo hướng đồng bộ, hiện đại” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Ngày 11/11/2021, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng: Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng. Để đảm bảo được mục tiêu hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, với quan điểm phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã dồn phần lớn nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng giao thông để từng bước nâng cao chất lượng cho mạng lưới giao thông kết nối vùng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Cao Bằng
Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành theo kế hoạch.

Trong đó, trọng điểm là dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với tổng chiều dài tuyến là 121,06km đi qua địa phận 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. “Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 14.330 tỷ đồng, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam” - ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, 2 tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã thống nhất kiến nghị Trung ương đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90km và hoàn thành trước năm 2030. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Bắc Kạn là 60km, qua tỉnh Cao Bằng là 30km sẽ kết nối tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Cao Bằng và các cửa khẩu của Trung Quốc. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đang phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án. “Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng khi được triển khai sẽ liên kết với các tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc tương đối hoàn chỉnh trong khu vực, kết nối vùng Trung du, miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội và các cảng biển phía Bắc, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực” - ông Hoàng Xuân Ánh thông tin thêm.

Mặt khác, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị những năm gần đây đã và đang tiếp tục được quan tâm đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công các dự án: Dự án tuyến tránh thành phố Cao Bằng với tổng mức đầu tư trên 221 tỷ đồng và dự án đường nội thị thị trấn Đông Khê với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Các dự án: Tuyến tránh thị trấn Xuân Hòa, huyện Hòa Quảng với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; tuyến tránh thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Dự án tuyến tránh thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An với tổng mức đầu tư gần 197 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026,…

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho rằng, khi các dự án này được hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng lưu thông, khắc phục tình trạng trục chính đô thị đi chung với đường quốc lộ, tỉnh lộ, góp phần đồng bộ hệ thống giao thông đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Song song với đó, tỉnh Cao Bằng cũng ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 29/7/2021, với mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường, ít nhất 85% đường ngõ xóm được cứng hóa, tạo điều kiện phát triển nông thôn bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn.

Có thể khẳng định, việc sớm hoàn thành và đưa các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vào sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm quốc phòng - an ninh và thực hiện thắng lợi mục tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2055 đề ra.

Đinh Vũ – Nguyễn Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load