(Xây dựng) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những phát biểu định hướng liên quan đến sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, những thách thức và giải pháp nhằm thúc đẩy ngành này đạt được sự tự chủ và nâng cao sức cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải đáp các câu hỏi liên quan đến sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dù đã có những tiến bộ trong việc giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và tăng tỷ lệ sản xuất trong nước, một số ngành vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, các ngành như linh kiện kim loại đã đáp ứng 85-90% nhu cầu trong nước, trong khi các lĩnh vực khác như sản phẩm kim loại, xe máy, ô tô, máy nông nghiệp và máy điện chỉ đạt từ 15-60%. Đặc biệt, ngành điện tử và công nghiệp hỗ trợ chỉ đạt 15%, thể hiện mức độ tự chủ thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Kết quả này phản ánh sự đóng góp tích cực của ngành chế biến và sản xuất vào cơ cấu công nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố vị thế cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, kêu gọi những chính sách đổi mới để phát triển nội địa.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) và đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) cho rằng cần có các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn. Hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự suy giảm doanh thu và khó tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Huân bổ sung rằng các ngành mũi nhọn như điện tử, dệt may và lắp ráp ô tô đang chịu chi phí sản xuất cao do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ông kêu gọi cải cách chính sách ưu đãi đầu tư để giảm sự phụ thuộc này, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa. Cả hai đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Về chính sách phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành các văn bản pháp luật để hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, đạt được những kết quả nhất định, như tỷ lệ nội địa hóa trong dệt may và da giày đạt 50%. Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn tồn tại. Nguồn lực đầu tư từ trung ương đến địa phương còn ít và khó tiếp cận, chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn và các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động nắm bắt thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, rào cản gia nhập thị trường và thiếu công nghệ cũng gây cản trở lớn.
Để giải quyết các khó khăn, Bộ Công Thương dự kiến hoàn thiện chính sách đồng bộ, nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, và tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh phổ biến thông tin chính sách, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương cũng được kỳ vọng đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Lan Oanh
Theo