(Xây dựng) - Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung vào việc cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giải pháp chuyển đổi số được đẩy mạnh để đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung vào việc cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp… (Nguồn: Internet). |
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan và hoàn thành trong năm 2023; đồng thời, tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… cũng như các điều khoản liên quan trong các Nghị định hướng dẫn thi hành và kiến nghị phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp đối với những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp.
Theo Bộ Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện tích hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Cùng với việc theo dõi, đánh giá và nắm bắt kịp thời bất cập trong thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ “nút thắt”.
Đặc biệt, giải pháp chuyển đổi số được đẩy mạnh để đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Bộ Xây dựng sẽ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh cũng được gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Bộ Xây dựng.
Các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh được tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả và công khai kết quả xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; thực thi Phương án đơn giản hóa sau khi được phê duyệt.
Đồng thời, ngành Xây dựng sẽ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, tư vấn và đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế có uy tín nhằm phục vụ thu hút nguồn lực cũng như sự ủng hộ của đối tác cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Linh Đan
Theo