Thứ năm 21/11/2024 22:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dấu ấn đổi mới của các bộ trong sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước

19:44 | 03/01/2021

Phân tích kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: “5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam”. Điều này được thể hiện qua con số bội chi ngân sách giảm từ 4% xuống còn 3,3%; lạm phát khống chế dưới 4%; nợ công còn 64,8% xuống 53,4%. Xuất khẩu tăng 2 con số trong nhiều năm.

dau an doi moi cua cac bo trong su phat trien kinh te xa hoi dat nuoc
Việt Nam đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm qua. Ảnh: KT

3 điểm sáng trong điều hành của Ngân hàng nhà nước

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Trong thời gian qua, thông điệp xuyên suốt mà lãnh đạo Ngân hàng nhà nước luôn kiên định là “điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

NHNN đã phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt nhằm duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự báo đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 5,15%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 4%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%).

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng cao ở mức kỷ lục. Thị trường ngoại hối và tỉ giá dần đi vào ổn định. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định. Thanh khoản hệ thống được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân”.

Lãi suất có xu hướng giảm dần và ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng. Tình trạng “vàng hoá”, “đô la hoá” trong nền kinh tế giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã có những nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp công nghệ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân.

NHNN đã trình Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới.

Triển khai 5G - Đi đầu trong xu hướng công nghệ

Điểm sáng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua phải kể đến nỗ lực triển khai 5G tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu về CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ TTTT hướng tới mục tiêu mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển 5G “có ý nghĩa chiến lược quốc gia” và yêu cầu Bộ thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất thiết bị 5G. Cùng với đó là cần có chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam.

Tháng 1.2020, cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G Make in VietNam, Made By Viettel đã được thực hiện. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ KHCN thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.

Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di động của mình và các dịch vụ đi kèm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số vì có những tính năng vượt trội như: Băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh…

Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IOT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát…

Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng sống còn và tất yếu

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là vấn đề cốt yếu của một nền NN không chỉ sạch mà còn năng suất cao, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNC trong NN, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Các chính sách của Chính phủ đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất, hình thành các tập đoàn nông sản mạnh theo chuỗi, giúp nông sản Việt Nam tăng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ổn định thị trường trong nước, vươn tầm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về công tác tiêu chuẩn quy chuẩn, đã tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản (NLTS), đến hết năm nay, toàn ngành có 1.101 TCVN và 217 QCVN phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất NLTS, quản lý việc sử dụng vật tư đầu vào đạt tiêu chuẩn chất lượng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi…) không để lại dư lượng trong sản phẩm. Chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật IPM (biện pháp sinh học và kỹ thuật canh tác được sử dụng tối đa nhằm hạn chế dịch hại dưới ngưỡng gây hại-PV), áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất từ khâu xử lý đất đai, sử dụng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, giám sát chặt chẽ đồng ruộng để sinh vật gây hại ở ngưỡng cho phép không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Đến nay, ngành NN đã chỉ đạo triển khai các Chương trình phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả và bền vững; Phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam; giám sát dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả, chè, hồ tiêu, càphê…

Áp dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đến nay, Bộ NNPTNT đã cấp được 2443 mã số vùng trồng cho 213.993,75ha vùng trồng quả tươi xuất khẩu đi Trung Quốc và các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New zealand, EU… và cấp 1766 mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu cho các loại cây trồng: Thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vú sữa, chanh không hạt, bưởi, vải, dưa hấu, mít, chuối và măng cụt.

Bộ Công Thương nỗ lực đàm phán thành công hiệp định EVFTA

Bàn về thành tích nổi bật của ngành Công Thương trong thời gian qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói để thực thi được Hiệp định EVFTA là kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nổi bật của Công Thương. Trong Hiệp định có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây, như chỉ dẫn địa lý, mua sắm Chính phủ, hay thương mại phát triển bền vững.

Theo tư lệnh ngành Công Thương, việc Việt Nam tham gia các FTA giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, việc thực hiện Hiệp định này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỉ USD (năm 2019). Đây là dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập của đất nước.

Để đạt được dấu mốc ấn tượng này, theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là do “sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là kết quả của việc tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu”.

Trong lĩnh vực công nghiệp đã và đang đạt được những dấu mốc tăng trưởng ổn định với tốc độ cao, là thước đo của việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao với vị trí thứ 44 trên thế giới vào năm 2018 theo đánh giá của UNIDO.

Về vấn đề năng lượng, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000MW. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời. Đây là tín hiệu cho thấy sự tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn; có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, mỗi năm bổ sung khoảng 7-9 tỉ kWh góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Nhóm Pv/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load