Đầu tư công là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời điểm hiện tại, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chưa khả quan trong khi quỹ thời gian thực hiện mục tiêu giải ngân trên 95% theo kế hoạch năm 2024 (thường được kéo dài đến hết tháng 1 năm sau) không còn nhiều.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng tốc để đạt kết quả tốt nhất.
Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trong ảnh: Các đơn vị thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua huyện Quốc Oai). |
Kết quả chưa như mong muốn
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-11-2024 là 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch và bằng 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên giải ngân vốn ngân sách địa phương lại thấp hơn.
Thời điểm hiện tại, chỉ có 18/46 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Có tới 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức này như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạt 2,1%, Ủy ban Dân tộc 6,87%... Thậm chí có đơn vị kết quả giải ngân là 0%.
Đáng chú ý, việc một số địa phương có kế hoạch vốn lớn nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng đến kết quả chung cả nước, như thành phố Hồ Chí Minh được giao 79.000 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, nhưng đến hết tháng 11-2024 mới giải ngân được 22,52%.
Điểm sáng là một số bộ, ngành quan trọng, được phân bổ lượng vốn lớn đã đạt kết quả khá tích cực. Theo đó, tính đến hết tháng 11-2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch được giao. Cùng kỳ năm 2023, bộ này giải ngân đạt 75%. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận con số này duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (60,43%). Bộ Tài chính nhận định, kết quả giải ngân cho các dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải mặc dù cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước nhưng đang có xu hướng chậm lại.
Dốc sức vào "chặng nước rút"
Thời điểm này, các bộ, ngành và địa phương đang dốc sức vào "chặng nước rút", đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hướng tới mục tiêu đạt 95% kế hoạch vốn được giao. Dù chưa cập nhật số liệu giải ngân tháng 12-2024 (vốn sẽ cao hơn các tháng khác khi nhiều hạng mục tập trung quyết toán) và nguồn vốn của năm 2024 thường được kéo dài đến hết tháng 1-2025 (tức còn thêm 1 tháng để giải ngân), song vẫn phải nói rằng, để đạt được mục tiêu tỷ lệ 95% là rất khó. Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, rà soát, nắm tình hình, tháo gỡ những vướng mắc cụ thể.
Bộ Giao thông vận tải - đơn vị có vốn đầu tư lớn đã yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ hạng mục bổ sung (hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí...) triển khai trong tháng 12-2024, làm cơ sở để giải ngân; hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2024.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và một số tuyến cao tốc trục ngang đang thi công (Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...), Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho dự án; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng để giải ngân số vốn được giao.
Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Cùng với đó là phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả; đẩy nhanh thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Còn tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, đối với chủ đầu tư, phải nỗ lực, quyết tâm cho việc giải ngân kế hoạch vốn; khắc phục khó khăn, vướng mắc (hiện chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng). Thành phố cũng yêu cầu từng dự án xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân theo từng tuần để kịp thời đôn đốc nhà thầu, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã phải tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, đặc biệt là các dự án cấp thành phố giao cho địa phương làm chủ đầu tư, bởi hiện tỷ lệ giải ngân còn chậm…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý để đạt hiệu quả cao nhất… Ngoài ra, thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu cục bộ ở một số dự án đang triển khai, làm chậm tiến độ thi công. Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các chủ đầu tư dự án cần có sự chuẩn bị từ sớm, xác định mỏ vật liệu, khả năng khai thác để bảo đảm đáp ứng đủ khối lượng theo yêu cầu thi công. Các chuyên gia cho rằng, càng khó khăn, các bộ, ngành, địa phương và từng chủ đầu tư càng phải nỗ lực, cố gắng đạt tỷ lệ giải ngân vốn ở mức cao nhất.
Theo Hồng Sơn/Hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-688912.html