(Xây dựng) - Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã có những cách làm kiên quyết, tạo hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. |
Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhằm đưa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung đẩy mạnh chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
PV: Thưa bà, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Bắc Giang đã thực hiện việc này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng: Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Văn bản số 1757/UBND-XD Ngày 29/5/2017 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CTTTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan thuộc UBND tỉnh thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được phân công.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng hoàn thành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 làm cơ sở để thu hút đầu tư, lập dự án đầu tư.
Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo theo Đề án 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đã giải ngân xong việc xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng.
Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 xung quanh các khu, cụm công nghiệp để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp…
PV: Xin bà cho biết kết quả cụ thể trong việc thực hiện những chỉ đạo này?
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng: Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang, đến nay cả tỉnh đã và đang quy hoạch 13 khu đất để xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 280 ha, trong đó có 5 dự án đã được chấp thuận đầu tư, 02 dự án đã xây dựng xong và đưa vào khai thác sử dụng gồm: Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Fuhong Precision Component làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 2,2ha; Dự án khu nhà ở công nhân Đồng Rì, huyện Sơn Động do Công ty TNHH một thành viên 45 thuộc Tổng Công ty Đông Bắc làm chủ đầu tư với quy mô khoảng 20ha.
3 dự án đang giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng, gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội Vân Trung thuộc xã Vân Trung, huyện Việt Yên do Công ty TNHH Fugiang làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 16,7ha; Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên do Công ty TNHH Vương Vĩ làm Chủ đầu tư với quy mô khoảng 3ha; Dự án khu đô thị mới thị trấn Nếnh huyện Việt Yên do Quỹ đầu tư phát triển tỉnh làm chủ đầu tư khoảng 10,6ha.
Hiện có 3 khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, nhưng chưa lựa chọn chủ đầu tư, một số khu đất đang lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 như: Khu nhà ở công nhân xã Nội Hoàng, Yên Dũng; Khu nhà ở xã hội ở thị trấn Nếnh, Việt Yên...
Các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân này sau khi hoàn thành, đi vào sử dung sẽ đem lại khoảng 127.000 chỗ ở cho công nhân và cơ bản đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho công nhân đến năm 2025.
PV: Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Dũng, Việt Yên, tại các Khu công nghiệp như Vân Trung, Đình Trám nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn. Trong khi những doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại đây còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Xin bà cho biết nguyên nhân vì đâu?
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng: Hiện nay, trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng có khoảng 104.000 lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp (Khu công nghiệp Vân Trung khoảng 33.000 công nhân; Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng khoảng 9.000 công nhân; Khu công nghiệp Quang Châu khoảng 37.000 công nhân, Khu công nghiệp Đình Trám khoảng 25.000 công nhân ). Trong đó, số công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 70.000 người (hiện nay số công nhân đang thuê nhà trọ khoảng 31.000 người, số công nhân ở tại khu nhà ở của Công ty TNHH Fuhong Precision Component khoảng 7.000 người, chủ yếu ở địa bàn huyện Việt Yên), còn lại là chưa có nhà ở và phải đi lại bằng xe đưa đón của các công ty hoặc phương tiện cá nhân.
Xuất phát từ nhu cầu trên, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quanh khu vực huyện Việt Yên nơi có nhiều công nhân tập trung làm việc tại các Khu công nghiệp, đến nay có 03 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, cụ thể là: Dự án Khu nhà ở xã hội Vân Trung (Việt Yên); Dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên); Dự án khu đô thị mới thị trấn Nếnh (Việt Yên).
Thực tế trong quá trình thu hút đầu tư, triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vấn đề này gặp khó khăn, do người dân có đất bị thu hồi đòi hỏi mức chi phí bồi thường không hợp lý, cao hơn so với quy định như (Khu nhà ở xã hội Vân Trung do Công ty TNHH Fugiang làm chủ đầu tư và Dự án nhà ở xã hội khu công nghiệp Đình Trám do Công ty TNHH Vương Vĩ làm chủ đầu tư) dẫn đến tiến độ triển khai dự án còn chậm.
Bên cạnh đó là việc xây dựng nhà ở xã hội trình tự thủ tục phức tạp: Nhà nước phải phê duyệt giá bán, cho thuê và quản lý đối tượng mua và thuê, lợi nhuận đầu tư không cao, nên nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn, chưa đầy mạnh đầu tư…
PV: Để tháo gỡ những khó khăn này, Đảng bộ, chính quyền Bắc Giang đã có giải pháp gì? Đặc biệt, trước việc các nhà đầu tư còn kém mặn mà với nhà ở xã hội, Bắc Giang cần có những chính sách hỗ trợ như thế nào để thu hút đầu tư, thưa bà?
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng: Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, cũng như thấy được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đề ra một số chính sách hỗ trợ như: Giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan chủ động lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 làm cơ sở để thu hút đầu tư, lập dự án đầu tư; Tỉnh đang thực hiện chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án nhà ở xã hội và các chính sách ưu đãi theo Điều 9, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về nhà ở xã hội.
Đặc biệt, trong đó có việc Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, sau đó tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Với những chính sách hỗ trợ ưu ái này, tôi tin rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ cởi mở, mặn mà hơn trong việc lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thập trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Kim Thoa
Theo