(Xây dựng) – Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất quan điểm, các chính sách phải ưu đãi vượt trội và sớm được đưa vào thực tiễn.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định bao gồm: Thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách Nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; Cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc; Tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại phiên họp, các ĐBQH đồng thuận với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu KHCN trong nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu KHCN trong nước. Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức KHCN trong nước.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật KH&CN đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Còn theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, đối với sản phẩm, dịch vụ được đặt hàng trong lĩnh vực KH&CN, sau khi nghiên cứu thành công và được nghiệm thu, đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với đơn vị nghiên cứu mà không phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu.
Đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào trong Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội nhận định, việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết đề cập việc không quy trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định. Để quy định chặt chẽ hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Điều 6 phải sửa lại là “khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký nhưng không đạt đến kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí”.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước; Ưu đãi thuế cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng KHCN bằng nguồn ngân sách Nhà nước...
Linh Đan
Theo