(Xây dựng) – Đó là đề xuất của Tổng hội Xây dựng Việt Nam về việc áp dụng công nghệ thi công cầu bản bê tông cường độ cao trên cọc PRC nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia.
![]() |
Giải pháp cầu bản trên cọc có một số ưu điểm như thi công nhanh, không ảnh hưởng tiến độ xây dựng… (Ảnh minh họa) |
Giải pháp cầu bản trên cọc có nhiều ưu điểm
Nhận thức được tầm quan trọng của việc huy động đóng góp của đội ngũ tri thức, doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng đất nước, cụ thể là tham gia vào việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia, đảm bảo đến cuối năm 2025 Việt Nam hoàn thành đưa 3.000km đường cao tốc vào khai thác, ngày 13/01/2025, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề về dự án “Công nghệ xây dựng cầu cạn - Công nghệ thi công cầu bản rỗng bê tông cường độ cao trên cọc PRC cho đường cao tốc do Công ty Hòa Bình nghiên cứu thực hiện”.
Căn cứ vào kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và ý kiến tham gia của các chuyên gia tại Hội nghị, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, công nghệ thi công cầu bản bê tông cường độ cao trên cọc PRC (giải pháp cầu bản trên cọc) là một giải pháp kết cấu cầu theo sơ đồ khung chịu lực tích hợp mố trụ dẻo từ kết cấu lắp ghép đã được áp dụng trên thế giới. Tại Việt Nam, loại kết cấu này đã được áp dụng tại một số công trình, nhưng chưa được áp dụng phổ biến rộng rãi.
Giải pháp cầu bản trên cọc có một số ưu điểm như thi công nhanh, không ảnh hưởng tiến độ xây dựng do thiếu vật liệu đắp nền, không phải đắp chờ lún cố kết, thân thiện với môi trường; chi phi đầu tư và chi phí duy tu bảo trì thấp; không chia cắt các khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp; tiết kiệm giải phóng mặt bằng, tiết kiệm tài nguyên cát đắp như các phương pháp truyền thống; không chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt và nước biển dâng, không chịu ảnh hưởng của sụt lún bề mặt.
Thích hợp áp dụng cho công trình xây dựng đường cao tốc
Theo đánh giá của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giải pháp cầu bản trên cọc thích hợp để áp dụng với cầu cạn thay thế nền đắp cao từ 3m - 10m, đường đầu cầu trong khu vực địa chất yếu, các vị trí nền đường trong các khu vực có địa chất yếu lớn, cần phải xử lý nền phức tạp, tốn nhiều thời gian gia tải, đặc biệt là các vị trí nền đường qua khu vực địa chất yếu dày từ 20m - 35m, khu vực sản xuất nông nghiệp. Như vậy, giải pháp này thích hợp áp dụng cho công trình xây dựng đường cao tốc và đường sắt nhẹ trong đô thị.
Trước đó, giải pháp cầu bản trên cọc đã được triển khai thi công thử nghiệm trên một đoạn tuyến dài 500m, gồm 65 nhịp 7,75m, chia thành 3 liên, xây dựng 2 tầng nằm trong khu phi thuế quan Xuân Cầu, thành phố Hải Phòng.
Trung tâm Khoa học công nghệ và Tư vấn đầu tư (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Công ty Cổ phần BKG đã thử tải, kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu cầu cạn từ tháng 02/2024 đến tháng 6/2024. Kết quả kiểm định cho thấy, kết cấu cầu cạn hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của thiết kế.
Ngày 04/06/2024, Bộ Giao thông vận tải có thông báo Kết luận số 123/TB-BGTVT về đề xuất một số giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Công ty Hòa Bình; giao Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải thành lập Tổ tư vấn đánh giá.
Trên cơ sở báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản số 8126/BGTVT-CQLXD ngày 31/7/2024, trong đó đánh giá cao giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường.
![]() |
Việc sớm triển khai áp dụng giải pháp cầu bản trên cọc sẽ giúp hoàn thành mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc giai đoạn 2021 – 2025. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị việc áp dụng giải pháp cầu bản trên cọc trên quy mô lớn (đường cao tốc) cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện về giải pháp cũng như cấu tạo chi tiết, đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành và đảm bảo hiệu quả kinh tế khi áp dụng.
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn đường cao tốc chỉ từ 12 - 13,7 triệu đồng/m2.
Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông bền vững
Với những ưu điểm và triển vọng áp dụng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc cho các công trình đường cao tốc và đường sắt đô thị tại nước ta, Tổng hội Xây dựng Việt Nam có đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cho thời gian tới.
Trước hết, Tổng hội kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ thi công cầu bản trên cọc làm cơ sở cho phép triển khai áp dụng trên các công trình đường cao tốc như một giải pháp khắc phục khó khăn về tiến độ do thiếu vật liệu đắp nền, thúc đẩy phát triển thị trường vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép) đang gặp nhiều khó khăn.
Tổng hội cũng đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các đơn vị thành viên cùng tham gia quá trình triển khai áp dụng (thiết kế, thẩm tra, kiểm định đánh giá chất lượng) nhằm hoàn thiện công nghệ và tổng kết kết quả thực hiện theo các quy định hiện hành.
Tổng hội đánh giá, việc sớm triển khai áp dụng giải pháp cầu bản trên cọc sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và 2.000km giai đoạn 2026 – 2030.
Giải pháp này còn giúp cho việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, nâng cao năng suất lao động ngành Xây dựng bằng việc phát triển các nhà máy cấu kiện bê tông, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật trong công nghiệp hóa lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, từng bước xây dựng các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông mạnh, đủ sức đảm nhận các công trình lớn của đất nước.
Dịch Phong
Theo