Thứ năm 23/01/2025 14:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đà Nẵng: Phê duyệt hợp phần tích hợp, định hướng và giải pháp phát triển ngành Tài chính – Ngân hàng thời kỳ 2021-2030

10:24 | 23/01/2025

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký quyết định phê duyệt hợp phần tích hợp đánh giá hiện trạng phát triển giai đoạn 2011-2020, định hướng và giải pháp phát triển ngành Tài chính – Ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đà Nẵng: Phê duyệt hợp phần tích hợp, định hướng và giải pháp phát triển ngành Tài chính – Ngân hàng thời kỳ 2021-2030
Đà Nẵng sẽ là trung tâm tài chính – ngân hàng theo định hướng và giải pháp phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, quan điểm phát triển ngành Tài chính – Ngân hàng thành phố Đà Nẵng phải được đặt trong chiến lược pháp triển tổng thể khu vực tài chính của Việt Nam, gắn liền với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.

Mục tiểu tổng quát sẽ phát triển khu vực ngành Tài chính – Ngân hàng năng động, cạnh tranh và bền vững với thông lệ tốt nhất, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi, liên kết toàn khu vực và sẵn sàng trước những thách thức của toàn cầu hóa mang lại. Thiết lập các nhân tố thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính trong giai đoạn 2021-2030, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực trước năm 2050.

Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8-8,5%/năm. Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2021-2030 bình quân khoảng 12-13%/năm phụ thuộc tình hình thị trường và nền kinh tế, tỷ lệ dự nợ tín dụng/GRDP từ 2,2 – 2,5 lần.

Từng bước nâng cao vị thế thành phố Đà Nẵng trong các diễn đàn tài chính – ngân hàng, phấn đấu ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, đẩy mạnh phát triển thành toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 30%.

Đến cuối năm 2030, 100% số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai Internet banking, Mobile-banking; số lượng doanh nghiệp Fintech đạt 2-3 doanh nghiệp/1.000 dân…

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là một trung tâm Fintech của quốc gia, khu vực.

Định hướng phát triển nâng cao năng lực của ngành Tài chính – Ngân hàng thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận khách hàng phù hợp và nâng cao dịch vụ cho các doanh nghiệp đi kèm với biện pháp kiểm soát an toàn.

Hỗ trợ phát triển các đại lý ngân hàng với mức chi phí thấp thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ để phân phối dịch vụ tài chính. Tăng cường sự hiểu biết và khả năng của những người được tiếp cận dịch vụ có thể sử dụng các dịch vụ tài chính thích hợp.

Phát triển thanh toán điện tử để đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn, củng cố cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Kiến nghị Trung ương ban hành khung pháp lý toàn diện cho hệ thống tài chính tới các chuẩn mực quốc tế tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước trong việc hội nhập tài chính.

Định hướng phát triển trong ngắn hạn, hoàn thành cơ bản Kế hoạch số 6032 ngày 10/9/2020 về việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.

Trong trung hạn phát huy những thành quả đạt được trong chiến lược tài chính toàn diện. Tháo bỏ dần một số rào cản đối với dòng vốn đầu tư ra/vào; cho phép các hình thức đầu tư ra nước ngoài gián tiếp thông qua các tổ chức tài chính được cấp phép, đảm bảo sự gia nhập của các định chế tài chính nước ngoài mới vào Việt Nam nhằm hướng tới một hệ thống tài chính thành phố Đà Nẵng có kết nối chặt chẽ hơn giữa khu vực và thế giới.

Trong dài hạn, phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực. Hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác, thu hút thêm nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước. Tổ chức hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cấu trúc tổ chức hệ thống tài chính hiện đại, lành mạnh, vận hành, điều tiết và giám sát theo chuẩn mực quốc tế.

UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Tài chính chủ trì tổ chức triển khai thực hiện hợp phần tích hợp, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, phối hợp với các ngành, địa phương tìm phương án giải quyết, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Các đơn vị, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan triển khai thực hiện nội dung định hướng phát triển ngành Tài chính – Ngân hàng đã được phê duyệt tại quyết định này.

Hải Nam

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load