Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, cho biết: "Nỗi lo nguồn cung lớn từ các cổ phiếu (CP) cầm cố đang treo lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư. Hiện giá CP của ngành ngân hàng (NH) bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể nào tin nổi. Giá nhiều CP NH đã về mệnh giá, thậm chí có loại CP xuống dưới mệnh giá. Nhiều CP NH giá chỉ còn 20% - 30% so với giá NH bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện giá CP Vietcombank chỉ khoảng 32.000 đ/CP, bằng một nửa so với giá ưu đãi mà người lao động được hưởng. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chính sách ưu đãi giảm giá CP của Nhà nước cho người lao động trong các doanh nghiệp cổ phần hóa trong 2 năm gần đây là không có tác dụng, chưa nói là chứa cả rủi ro cho người lao động".
Cũng theo ông Hải, trong thời gian qua, để bình ổn thị trường chứng khoán (TTCK), Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương các NH thương mại nhà nước ngừng giải chấp CP cầm cố, đồng thời kêu gọi các NH thương mại cổ phần cùng thực hiện. Ban đầu tất cả các NH đều thực hiện chủ trương trên. Tuy nhiên sau một thời gian thì có hiện tượng các NH vẫn giải chấp thông qua việc bán CP cầm cố từ tài khoản đứng tên các nhà đầu tư; còn trên thị trường OTC, NH tổ chức bán thông qua các môi giới trung gian. Sở dĩ có tình trạng trên vì các NH không biết phải tạm ngừng giải chấp trong thời gian bao lâu trong khi NH cần thu hồi nợ đối với những CP cầm cố. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước VN chưa đưa ra những giải pháp nhằm tổ chức việc giải chấp một cách có tổ chức và hiệu quả. Chính vì vậy, VAFI kiên trì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các NH thương mại cổ phần hội đủ điều kiện được chủ động bán CP cho nhà đầu tư nước ngoài với mức không quá 5%/vốn điều lệ (trong khung tỷ lệ 30% vốn điều lệ nhà đầu tư nước ngoài được nắm phép nắm giữ) mà không cần xin phép Ngân hàng Nhà nước VN.
Trả lời câu hỏi: "Liệu kiến nghị của VAFI có giải quyết được tình hình giá CP NH đang giảm sút hiện nay hay không?", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Đó chỉ là giải pháp quá độ áp dụng trong 1 - 2 năm nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường. Nếu đề nghị này được chấp nhận, nhiều NH thương mại cổ phần kinh doanh hiệu quả sẽ mua lại CP quỹ rồi bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy lượng CP NH thuộc diện cầm cố sẽ gần như được giải quyết với giá trị cao hơn nhiều so với tình trạng hiện nay. Bằng hình thức mua CP quỹ, các NH sẽ có điều kiện để hỗ trợ trực tiếp cho các cổ đông của mình; đồng thời lại có điều kiện huy động vốn dễ dàng. Giải pháp trên sẽ đạt được nhiều mục tiêu, NH vừa thu hồi nợ nhanh chóng để chuyển vốn sang hoạt động tín dụng, lại huy động được thêm vốn thặng dư, đồng thời NĐT nắm giữ CP cũng có lợi.
Với tình hình thị trường OTC hiện nay, CP của các NH kinh doanh hiệu quả được cầm cố nhiều nhất chiếm 60% tổng số tiền cho vay. VAFI dự đoán tổng số tiền mà các NH thương mại cổ phần cho vay trên thị trường OTC khoảng trên 10 ngàn tỉ đồng. Việc giải phóng nhanh lượng CP này sẽ làm "tan băng" thị trường OTC, đồng thời tác động tích cực tới thị trường chính thức và làm tăng tính thanh khoản của thị trường rất nhiều. Từ giữa tháng 4.2008, VAFI đã gửi đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước VN nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời.
Thanh Xuân (TN)
Theo baoxaydung.com.vn