(Xây dựng) - Đặt mục tiêu tăng trưởng 30% nhưng chỉ đạt 81% kế hoạch năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) vẫn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận vì tái cơ cấu doanh nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ để cắt giảm chi phí. Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) chia sẻ về những nỗ lực vượt qua năm 2020 đầy biến động của Công ty.
Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp). |
PV: Đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến các hoạt động của Xuân Mai trong năm vừa qua, thưa ông?
Ông Bùi Khắc Sơn: Xuân Mai kinh doanh hai mảng chính gồm hoạt động xây lắp và kinh doanh, đầu tư bất động sản. Cả hai mảng này đều chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Về xây lắp, Xuân Mai thi công dựa trên nền tảng công nghệ bê tông dự ứng lực bán tiền chế (công nghệ PC) có rất nhiều ưu điểm để làm các dự án nhà máy công nghiệp, nhà ở dân dụng, công trình giao thông… Trong hoạt động xây lắp, Xuân Mai có nhiều đối tác quốc tế đến từ Nhật, Hàn. Việc triển khai dự án với các đối tác nước ngoài đã không thể thực hiện do hạn chế đi lại trong mùa dịch mặc dù hợp đồng đã ký và đối tác đã cho tạm ứng.
Ngoài ra, Xuân Mai cũng thực hiện thi công cho nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Nha Trang, Bình Định. Tuy nhiên, do ngành Du lịch đang bị ảnh hưởng nặng, tính thanh khoản chưa cao nên các nhà đầu tư đã chậm lại kế hoạch xây dựng mặc dù họ có quỹ đất.
Về phát triển bất động sản, các dự án của Xuân Mai được định hướng có giá thương mại thấp, khoảng 1,5-2 tỷ đồng mỗi căn, phù hợp với những người lao động có thu nhập vừa phải. Theo tìm hiểu, trong bảy năm qua, có hơn 90% khách của Xuân Mai đều vay ngân hàng để mua nhà, số tiền họ tích lũy chỉ được khoảng một nửa và vay một nửa.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở hiện đang tăng giá. Những căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã “biến mất”, ở Hà Nội cũng còn rất ít. Các dự án bất động sản nhà chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh đa phần trên 70 triệu đồng/m2 trong khi đa số người lao động Việt đều mong muốn mua nhà dưới 30 triệu đồng/m2.
Kinh tế gặp khó, khách hàng không dám đầu tư mua nhà để ở. Thu nhập ổn định thì trả lãi tiền vay mua nhà không phải vấn đề quá khó nhưng khi thu nhập bấp bênh thì người mua nhà phải tính toán cân đối lại, có tâm lý lo sợ nên chấp nhận tích luỹ tài sản. Giá vàng vừa rồi tăng lên là vì thế.
PV: Xuân Mai đã phản ứng như thế nào trước những khó khăn đó?
Ông Bùi Khắc Sơn: Chúng tôi đã phải nỗ lực để thay đổi, nhất là thay đổi về tư duy. Khó khăn vừa qua cũng đồng thời tạo ra một xu thế mới là thị trường 4.0, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, sản xuất, đầu tư. Trong cái khó ló cái khôn, Xuân Mai phải làm, phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề.
Về quản lý, các dự án do Xuân Mai thực hiện nằm ở những nơi rất xa trong khi việc kiểm tra công trường phải được thực hiện thường xuyên, cập nhật liên tục. Covid-19 khiến công tác di chuyển gặp khó đã buộc chúng tôi áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt, Xuân Mai đã triển khai tốt công nghệ quản lý BIM khi thực hiện dự án. Nhờ đó, không để xảy ra bài toán dư thừa.
Trong thời gian qua, không có lao động nào trong số 4.000 người của Xuân Mai phải nghỉ việc vì dịch bệnh, không ai bị giảm lương. Khi công việc chỗ này bị giảm bớt, lãnh đạo phải nghĩ ra việc đầu tư hợp lý cho nhân sự làm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm để cán bộ nhân viên của Xuân Mai nâng cấp chính mình, có nhiều cơ hội để học hỏi, tăng năng lực.
Bên cạnh khó khăn cũng có nhiều thuận lợi. Xuân Mai là thương hiệu có uy tín, cũng là đơn vị có những người lao động tốt, tập thể tốt về chuyên môn, đã làm nhiều dự án lớn với quản lý nước ngoài. Nhưng nếu như trước đó chỉ làm nhà thầu thì sau khi tái cấu trúc, Xuân Mai trở thành một đơn vị tổng thầu.
Muốn làm được tổng thầu, bài toán lúc đó là phải giỏi về quản lý, phải lập được kế hoạch, có kinh nghiệm, nguồn vốn, có quy trình, có chất điều hành và phải có tầm. Còn trong bối cảnh Covid-19 lại là khó khăn về mặt thị trường, cả thế giới nói chung và từng cá nhân doanh nghiệp phải tìm cách ứng xử phù hợp để tồn tại qua khủng hoảng và phục hồi, phát triển sau khủng hoảng.
Dự án Rose town của Xuân Mai Corp vừa đưa vào hoạt động. |
PV: Vậy cách ứng xử trong thời gian tới được ban lãnh đạo Xuân Mai xác định là gì?
Ông Bùi Khắc Sơn: Tôi cho rằng, giai đoạn 2021-2022 sẽ còn nhiều khó khăn nữa, hệ lụy của dịch bệnh gây ra thậm chí có thể còn tác động lâu dài hơn. Đây không phải là bi quan mà là sự thật. Trong bối cảnh đó, trước hết là phải giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp, không phải vì khó khăn mà để mất uy tín, mất công việc, mất con người. Xây dựng doanh nghiệp đầu tiên là văn hóa doanh nghiệp, rồi sản phẩm của doanh nghiệp là những con người và hệ thống. Đó là những thứ không thể mất đi. Quan trọng không kém là quản lý tài chính, cụ thể là phải quản trị được dòng tiền, cần cân đối theo những giai đoạn nhất định. Nhưng lưu ý là các phương án của Xuân Mai có thể dẫn đến giảm về sản lượng và lợi nhuận nhưng nhất quyết không được giảm về chất, không được làm mất mát chất xám của hệ thống. Đấy là chiến lược, định hướng rất rõ ràng.
Doanh nghiệp mà không giữ được truyền thống, không giữ được văn hóa, con người, uy tín đối với khách hàng, không giữ được nguyên tắc làm việc với ngân hàng, không nộp thuế cho Nhà nước là sai. Đó là chiến lược Xuân Mai phải làm và chúng tôi sẽ phân kỳ xây dựng chiến lược ít nhất đến năm 2022. Tất nhiên, song song với đó là xây dựng và tuân thủ văn hóa chống dịch.
PV: Dường như không quá khó để Xuân Mai đối mặt với khủng hoảng. Trong một năm đầy biến động vừa qua có bao giờ cá nhân ông thấy khủng hoảng hay không?
Ông Bùi Khắc Sơn: Sau khi tái cấu trúc, Xuân Mai ghi nhận tăng trưởng rất mạnh về doanh thu, giá trị thương hiệu, vốn, lợi nhuận, năm nào cũng tăng 30%-40%. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là chúng ta không nên kỳ vọng doanh nghiệp có lãi dài hạn. Có những thương hiệu đã xây dựng cả trăm năm nhưng nhiều khi vẫn gặp khó khăn, quan trọng là phải tìm cách giảm thiểu khó khăn bằng những con đường mới.
Đừng nghĩ lúc nào cũng thuận lợi. Cần biết lượng sức theo sự thay đổi của thị trường. Xuân Mai đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 30% nhưng thực tế chỉ đạt 81% kế hoạch do các hợp đồng không thể triển khai. Dù khó khăn nhưng Xuân Mai vẫn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận vì biết cách ứng dụng chuyển đổi số để cắt giảm được nhiều chi phí.
Tôi muốn có sự ổn định, muốn Xuân Mai có vị thế nhưng an toàn. Tôi cần sự an toàn nhưng tất nhiên là phải làm, không phải gặp khó khăn mà nghỉ. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó đã lựa chọn đóng cửa, thấy thuận lợi mới làm. Tôi hiểu rằng đằng sau tôi là gần 4.000 người lao động nên không thể dừng được, không thể để lại hệ luỵ cho công ty và xã hội.
Dự án của Xuân Mai Corp. |
PV: Thước đo cho sự thành công ở Xuân Mai là gì, thưa ông?
Ông Bùi Khắc Sơn: Slogan của Xuân Mai là “góp những điều giản dị, tạo niềm tin vững bền”. Chúng tôi không thích “hoành tráng”, chúng tôi muốn giản dị nhưng không tầm thường. Để có thể đạt được sự giản dị đó đòi hỏi sự nỗ lực và trí tuệ rất lớn. Sự giản dị được thể hiện qua những việc cụ thể. Có thể chỉ là những công việc đơn giản nhưng không có sự đơn giản ấy thì không có những điều lớn lao. Trong doanh nghiệp, mỗi người có một nhiệm vụ và công việc riêng, ai cũng làm chủ tịch thì “chết” và ai cũng tư duy kiểu công nhân thì cũng “chết”. Phải đúng vai, đúng người. Ở vị trí cao hơn thì làm việc nặng hơn, vị trí thấp hơn cũng phải làm đúng khuôn khổ và trách nhiệm. Chúng tôi còn phải phát triển hơn nữa để trở thành đơn vị tổng thầu xây lắp hàng đầu, đơn vị phát triển bất động sản uy tín và ngày càng lớn mạnh.
Tôi nghĩ chỉ số hài lòng của Xuân Mai rất cao, chúng tôi rất hạnh phúc. Con người Xuân Mai hạnh phúc với môi trường làm việc của mình, họ có quyền được làm việc. Họ có cơ hội được học hỏi, trao đổi, làm việc và cống hiến, có thu nhập đàng hoàng. Những ý kiến của người lao động luôn được ghi nhận.
Điều đó tạo nên sự hứng thú cho người lao động. Có những nơi tôi từng làm luôn đặt nhân viên trong một sự gò bó, ai làm đúng chức năng người đó đã được giao, không có sự sáng tạo và góp ý.
Nếu vào văn phòng Xuân Mai sẽ cảm nhận được một sự nhẹ nhàng, yên tĩnh, sạch sẽ và văn minh. Mọi người ứng xử với nhau rất gần gũi, có một văn hoá gia đình, nhưng vẫn luôn theo nguyên tắc, quy củ.
PV: Ông có kỳ vọng như thế nào trong năm tới?
Ông Bùi Khắc Sơn: Tôi mong cho tình hình dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt và mọi việc sẽ trở lại trạng thái bình thường, mong Xuân Mai ổn định với những gì đang có. Tôi nghĩ Xuân Mai chắc chắn sẽ ổn, sẽ tốt!
Xin cảm ơn ông!
Hồng Mỹ (Thực hiện)
Theo