Kênh Thị Nghè - Nhiêu Lộc hẳn đã rất quen thuộc với nhiều người, đầu năm mới, chúng tôi làm một vòng quanh đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy song song hai bên bờ kênh dài gần 10 km…
Những nét văn hóa
Những năm gần đây, tên hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa - con đường chạy dài theo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) đã dần trở lên quen thuộc với người dân TP.HCM. Hai con đường mang tên hai quần đảo thân thương của Tổ quốc này ở TP.HCM cũng đồng thời là một công trình mang dấu ấn đặc sắc: xóa bỏ nhà ổ chuột ven kênh và cải tạo môi trường xanh trong cho TP mang tên Bác kính yêu.
Tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa tại TPHCM.
Đi dọc Trường Sa, Hoàng Sa và kênh NL-TN một điều thú vị là ta dễ dàng còn thấy được những dấu ấn của TP.HCM thời xưa. Theo sử chép lại thì NL-TN là một trong ba tuyến sông tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và sông Bến Nghé), ăn sâu vào lòng TP với nhiều chi lưu và đi qua các quận: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Toàn tuyến kênh chính có chiều dài 9.470m. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt đã đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu và giao thông vận tải khi xưa và hiện nay chúng lại có tác dụng thoát nước mưa và việc tạo ra hai con đường bộ chạy dài suốt tuyến kênh này đã và đang góp phần quan trọng trong giao thông vận tải của TP.HCM.
Rạch Thị Nghè bắt nguồn từ Bàu Cát (Q.Tân Bình nay), chảy qua kênh Nhiêu Lộc, rồi đổ ra sông Sài Gòn chỗ nhà máy đóng tàu Ba Son (Q.1). Chúng tôi bắt đầu đi dọc Trường Sa và Hoàng Sa từ hướng Q.Tân Bình tới Q.1. Từ đường Út Tịch đi, Trường Sa (nằm bên tay trái) và Hoàng Sa (tay phải) quanh co uốn lượn xung quanh kênh NL-TN và đi qua Q.3, Q.Bình Thạnh và Q.1. Những dấu ấn xưa của một dòng kênh quan trọng chạy quanh nội thành là những bến sông, là những ngôi chùa cũ, những nhà thờ soi bóng xuống kênh. Nhiều cây cầu cũ như cầu đường sắt, cầu Công Lý, cầu sắt Trần Khánh Dư, cầu Bông, cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Thị Nghè… đã là nơi in dấu ấn của những trận đánh lớn từ thời chống Mỹ và đây cũng là nơi có những vị trí chiến lược trong giao thông vận tải.
Theo nhiều người dân sống dọc kênh NL-TN thì khi xưa dòng kênh này vốn trong xanh, là nơi nối từ nội thành ra sông Sài Gòn nên đồng thời cũng là tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng từ các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu và những tỉnh miền Tây Nam bộ. Hàng hóa qua kênh này vận chuyển đổ lên các chợ như Tân Định, chợ Bà Chiểu, chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Hòa Hưng, chợ Phạm Văn Hai… Trải qua nhiều thế hệ, đến nay các khu chợ này dù không còn nguồn hàng hóa từ kênh này chuyển lên nhưng các chợ vẫn tồn tại và ngày càng phát triển sầm uất.
Theo tính toán của các nhà khoa học thì tổng lưu vực của kênh NL-TN rộng 3.320ha, có quan hệ mật thiết với cuộc sống của khoảng 1,2 triệu dân sống trên khu vực này. Chạy xe dọc kênh NL-TN chúng tôi thấy vui vui vì cảnh nhà ổ chuột chen chân dọc bờ kênh nay không còn nữa. Xung quanh bờ kênh những kè bê tông xinh xắn đã đan kín, đường bộ được chỉnh trang và đang được thi công khiến việc di chuyển dễ dàng hơn.
Dự án cải tạo kênh NN-TN
Sở dĩ các nhà hàng, quán ăn mọc lên san sát vì tất cả người dân sống quanh khu vực này đang thấy kênh NL-TN thay đổi hàng ngày: đó là việc kè bờ, làm cầu, làm đường, cải tạo kênh, nạo vét kênh. Tất cả những cố gắng đó của TP.HCM nhằm tạo cho NL-TN trong xanh trở lại. Nhiều chung cư đã hoàn chỉnh nằm xung quanh kênh NL-TN như khu Miếu Nổi, khu dân cư cuối đường Trương Định… thậm chí có một dự án đường tàu một ray trên cao dọc kênh NL-TN cũng đang được vài nhà đầu tư quan tâm, chuẩn bị triển khai.
Theo những thông tin từ UBND TP.HCM thì dự án vệ sinh môi trường thuộc lưu vực kênh NL-TN có giá trị 200 triệu USD, được chia làm 13 gói thầu như lắp đặt tuyến cống bao, làm trạm bơm xử lý nước có thiết bị lược rác, kè dọc kênh... Theo BQLDA Vệ sinh môi trường nước lưu vực NL-TN thì từ đầu đường Trường Sa, Hoàng Sa (Q.Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sĩ (Q.3) thi công 11 giếng, xây dựng 9 cầu mới và sửa sang cầu cũ để cả hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa thông suốt.
Những ngày đầu năm này khi đi khảo sát thực tế thì chúng tôi thấy hiện 2 tuyến đường này hiện mới chỉ thông suốt một đoạn đường từ đầu đường Út Tịch đến cầu Lê Văn Sĩ. Nhiều đoạn đường vẫn ngổn ngang hoặc chưa thể thông ngay như đoạn đường từ cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) đến cầu Điện Biên Phủ. Các cây cầu cắt ngang qua đường Trường Sa, Hoàng Sa như cầu Bông, cầu Kiệu cũng chưa thể hoàn thành sớm do kết nối từ đường lên cầu.
Riêng một số cây cầu dọc tuyến thì có vài cây cầu đã thông tuyến đường dưới gầm cầu như cầu Công Lý (Nguyễn Văn Trỗi), cầu Hoàng Hoa Thám và cầu Bùi Hữu Nghĩa. Các cây cầu này đã được sửa chữa để các phương tiện lưu thông dưới dạ cầu. Tuy nhiên, do độ cao của các cầu này còn hạn chế đến việc lưu thông của xe ô tô như cầu Nguyễn Văn Trỗi chỉ có độ cao 2m, cầu Hoàng Hoa Thám cao 2,5m và cầu Bùi Hữu Nghĩa chỉ cao 2,3m.
Đường sá được mở rộng, những căn nhà cạnh bờ kênh lụp xụp, ẩm thấp nằm sâu trong hẻm xưa kia nay cũng đã trở thành những căn nhà mặt tiền sang trọng. Những quán nhậu, cà phê mọc lên hai bên bờ kênh như nấm. Một anh bạn của tôi vốn đam mê theo dõi sự “đổi đời” của kênh NL-TN thì hồ hởi cho biết: “Những năm gần đây, kinh NL-TN đã đổi thay từng ngày. Từ một dòng kênh nước đen ngòm và hôi thối thì nay kênh đã sạch sẽ hơn. Bằng chứng là hàng quán đã “mọc” lên nhiều hơn cùng với sự cải tạo này. Riêng quán nhậu, năm 2003, dọc kênh này có 80 quán. Nhưng đến đầu năm 2007, con số ấy đã tăng lên khoảng gấp 10 lần, tức 800 quán. Rồi còn quán cà phê, quán ăn, khách sạn…cũng theo đó mà rộng mở”.v
Mục tiêu của dự án kênh NL-TN là “biến” đường ven kênh thành một trong những trục giao thông Bắc - Nam của TP, nhằm giảm tải cho hàng loạt con đường ở các quận: Bình Thạnh, Q.1, Q.3, Q.10... điển hình là tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Văn Sỹ. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong 2 năm 1984 - 1985 TP.HCM đã huy động các nguồn vốn xây dựng được 12.013 căn nhà (trong đó ngân sách nhà nước xây 7.430 căn) phục vụ giải tỏa nhà ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc, đầu cầu Công Lý
Đăng Giới
Theo baoxaydung.com.vn