Thứ hai 23/12/2024 01:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chuyên gia hiến kế “hạ nhiệt” giá xăng dầu

17:16 | 22/03/2022

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc giảm thuế với xăng dầu, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để hạ nhiệt giá xăng dầu cũng như kiềm chế không làm gia tăng lạm phát trong thời gian tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong,chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã tăng tổng cộng 7 lần. Việc giá xăng 95 tăng tổng cộng 6.674 đồng, xăng E5 RON92 tăng 5.835 đồng/lít gây áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo ông Lực, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Vì vậy, giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá và dịch vụ trong khâu lưu thông, tạo áp lực lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ trong nước; từ đó, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Để hạ giá xăng dầu và kiềm chế gia tăng lạm phát, ông Lực kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp. Về lâu dài, Chính phủ nên chỉ đạo cân nhắc phương án có duy trì hay không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Về dài hạn, tôi cho rằng, cần phải nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu dài hạn. Bộ Công Thương chủ trì, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu lâu dài hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ nên sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước”, ông Lực nói.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cần giảm các nguồn thu khác.

“Quy định hiện nay là 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần. Nếu cơ quan quản lý làm việc nghiêm túc, thông tin rõ ràng, công khai minh bạch thì cũng không cần thiết phải rút ngắn thời gian điều chỉnh. Giá xăng dầu thế giới tăng, lập tức giá trong nước tăng ngay nhưng ngày 21/3, giá xăng dầu giảm quá ít khiến người tiêu dùng bị thiệt”, TS. Hiển nêu quan điểm.

TS. Hiển cho rằng, doanh nghiệp xăng dầu cũng nên chia sẻ với người dân bằng cách hoạt động không lợi nhuận ngay trong quý 1, 2 năm nay.

Theo Ngọc Mai/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load