Thứ sáu 29/03/2024 08:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuỗi sản xuất đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới

11:04 | 28/10/2021

Một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra là khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ.

chuoi san xuat dang dan thich ung voi trang thai binh thuong moi
Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nhằm đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại của năm.

Tăng tốc sản xuất

Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Bộ Công Thương, tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cán cân thương mại của Việt Nam đã có xuất siêu trong tháng 9. Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương cho thấy tỉnh Tiền Giang đang triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất.

Theo đó, tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 186 đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã công nhận phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 78/186 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (chiếm 41,9%) với tổng số lao động thực hiện phương án là 57.163 người.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 454/897 doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu, cụm công nghiệp đang hoạt động (chiếm 50,6%). Trong đó, có 91 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 363 doanh nghiệp hoạt động đảm bảo các công tác phòng, chống dịch theo quy định…

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương thống kê trên địa bàn hiện có 22 doanh nghiệp đang hoạt động…

Đáng chú ý, tại Hà Nội, sau khi thành phố thực hiện các biện pháp nới lỏng các biện pháp chống dịch, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tăng tốc sản xuất nhằm đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất.

Thống kê đến giữa tháng 10 cho thấy, ở 9 Khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng doanh nghiệp hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. Cùng với đó, 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo COVID-19 tại doanh nghiệp với 3.600 tổ Covid an toàn.

Tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động.

Song song với đó, Cục Công nghiệp cũng tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp và truyền thông.

chuoi san xuat dang dan thich ung voi trang thai binh thuong moi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Cục công nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Công nghiệp chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.

Ông nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn phòng dịch, dịch vụ sản xuất kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa; đề xuất các chính sách như tài chính, tín dụng, lao động... Từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời, xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của các Hiệp hội, doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, hậu COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý Cục Công nghiệp khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương (nhất là những địa phương có tiềm năng về công nghiệp) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương (tích hợp vào Quy hoạch vùng, tỉnh).

Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn (thép, ôtô, dệt may, da giày, thực phẩm) phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Ông đề nghị đơn vị cần hướng dẫn, khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ.

“Chúng ta phải tập trung thật cao xây dựng, vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn cả nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm là đầu mối kết nối với các trung tâm, các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung-cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng…,” tư lệnh ngành công thương lưu ý./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load