(Xây dựng) – Trong lúc nhiều ngành công nghiệp gần như đóng băng trong đại dịch, các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại rót tiền vào phát triển và nâng cấp dịch vụ cho chuỗi cung ứng và tài sản hậu cần. Báo cáo mới nhất của JLL trong quý II/2020 cho thấy, giá thuê văn phòng và bán lẻ, cộng với giá trị vốn đã giảm ở đa số các thị trường lớn tại châu Á Thái Bình Dương, trong khi giá thuê dịch vụ hậu cần hầu như không đổi.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thương mại điện tử là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với doanh thu đến cuối năm nay dự kiến đạt 13 tỷ USD. Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngày càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Theo Prnewswire1, thị trường chuỗi lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025; tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020 - 2025. Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng chuỗi lạnh từ lâu và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm.... Nhưng động lực thúc đẩy ngành kho vận lạnh không chỉ có vậy mà còn là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, nổi bật nhất chính là vắc xin Covid-19 và các loại vắc xin khác trong tương lai.
Theo khảo sát mới nhất của JLL, tất cả các vắc xin hàng đầu đều yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả, bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vắc xin có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần. Ở thành phố Michigan (Mỹ) và Bỉ, công nhân sẽ đặt vắc xin vào các khay, sau đó sẽ được đưa vào các hộp lạnh được theo dõi bằng GPS chứa đầy đá khô để giữ cho vắc xin lạnh ở nhiệt độ hơn cả mùa đông Bắc Cực. Xe tải của hai công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng đầu sẽ vận chuyển chúng lên máy bay, hoặc trực tiếp đến bệnh viện và các điểm tiêm chủng. Đây đều là những tiêu chuẩn không hề dễ dàng cho một loại dịch vụ chưa từng có trên thị trường, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ nhưng bên cạnh đó cũng là nhiều thách thức cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ muốn nắm bắt cơ hội.
Bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao mảng thị trường JLL Việt Nam cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Logistics đa phương thức và chuỗi lạnh dành cho các sản phẩm chạy nhiệt như thực phẩm, mỹ phẩm hay vắc xin sẽ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ hậu cần không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để không để vuột mất cơ hội hưởng lợi từ các phân khúc tăng trưởng nhu cầu rất nhanh này”.
Chuyên gia JLL cũng nói thêm, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.
Mỹ Anh
Theo