(Xây dựng) – Bà Hà Thanh Huyền có câu hỏi gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhờ hướng dẫn giải đáp vấn đề liên quan đến chọn nhà đầu tư dự án BT dựa theo quy định nào.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nội dung câu hỏi như sau: Theo bà Huyền, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP tách biệt rõ 2 loại: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định về nội dung hồ sơ mời thầu tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và mẫu hồ sơ mời thầu theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT chỉ hướng dẫn việc xác định giá sàn nộp ngân sách Nhà nước đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, mà không có quy định đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP.
Bà Huyền hỏi, khi lập hồ sơ mời thầu đối với các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thuộc quy định chuyển tiếp của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có phải tính toán và đưa quy định nhà đầu tư phải nộp giá sàn nộp ngân sách Nhà nước (m3) đối với dự án khác (dự án để thanh toán dự án BT) vào hồ sơ mời thầu đối với loại dự án BT không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau: Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tiếp theo được thực hiện theo quy định tại các Chương III, IV và V Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Hồ sơ mời thầu được phát hành cho các nhà đầu tư trong danh sách ngắn theo quy định tại Khoản 1 Điều 30, Điều 49 và Điều 61 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Trường hợp có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại đối với dự án BT tuân thủ theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT.
Theo quy định tại Khoản 5.2.3 Điều 5.2 Mục 5 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT, đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, sử dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước để đánh giá tài chính - thương mại (ghi chú số 02). Trong đó, hiệu quả đầu tư được đánh giá thông qua tiêu chí đề xuất nộp ngân sách Nhà nước bằng tiền (m3 là thuật ngữ áp dụng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, không liên quan đến dự án BT).
Đối với trường hợp của bà Huyền, dự án BT đang trong quá trình lập hồ sơ mời thầu và dự án BT thuộc quy định chuyển tiếp của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Vì vậy, đề nghị bà nghiên cứu, xác định trường hợp áp dụng cụ thể.
Ngoài ra, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Trong đó, Khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định chuyển tiếp đối với dự bán BT; kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành, trường hợp dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Tuyết Hạnh
Theo