(Xây dựng) - Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với hàng hóa nội địa, mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% theo 13 Hiệp định FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa cao nhất trên thế giới.
Nhiều doanh nghiệp thép đã tận dụng được cơ hội phát triển khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. |
Bên cạnh những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi hàng hóa xuất khẩu bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp Việt cũng được lợi khá nhiều từ các chính sách phòng vệ thương mại trong nước.
Trên thực tế, nhiều nước cũng đã áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm của Việt Nam, trong đó có thép. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ điều tra này dựa trên các thông tin rằng mặt hàng thép tấm không gỉ từ Việt Nam có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016. Mức thuế chống lẩn tránh thuế mà Mỹ đang áp cùng mặt hàng này của Trung Quốc là 139% - 267%.
Theo Bộ Công Thương, song hành cùng với những thuận lợi của các Hiệp định khi tận dụng lợi thế so sánh để gia tăng hiệu quả sản xuất, Việt Nam đang đối mặt không ít thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp phòng vệ thương mại được tất cả các quốc gia trên thế giới thừa nhận là những công cụ chính sách cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, mặc dù các biện pháp phòng vệ thương mại mới được áp dụng trong những năm gần đây nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực. Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc nhập khẩu ồ ạt nhiều sản phẩm đã giảm đi đáng kể.
Ví dụ, mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm rõ rệt. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...
Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ được áp dụng như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng, thép Posco SS Vina... Điều này không chỉ đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động trong nước mà còn chứng tỏ năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia được áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp cơ bản: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Hiện nay, các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều đã có điều khoản về phòng vệ thương mại. Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản đối với thương mại và các thành viên tham gia FTA đều kỳ vọng sẽ hạn chế, hoặc không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong nội khối.
Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, vì các ngành sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Hà Vy
Theo