(Xây dựng) – UBND tỉnh Kon Tum đang đối mặt với tình trạng khó khăn khi nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí có dự án chưa được giải ngân. Tính đến hết tháng 10 vừa qua tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới chỉ đạt khoảng 40%. Trong đó có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tình hình này đặt ra nhiều thách thức cho các chủ đầu tư, buộc họ phải xem xét và thậm chí làm thủ tục trả lại vốn.
Không có mặt bằng thi công, nhiều chủ đầu tư dự án xin trả vốn |
Nổi bật nhất trong danh sách xin trả lại vốn là dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Với tỷ lệ giải ngân 0% trong năm 2023, khiến chủ đầu tư phải đưa ra quyết định trả lại vốn.
Một dự án giao thông khác cũng do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư cũng đối diện với tình cảnh tương tự, với tỷ lệ giải ngân khoảng 2% nguồn vốn được giao năm 2023 là 45 tỷ đồng. Đây là dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly.
Tình trạng không có mặt bằng để thi công là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ giải ngân và thi công. UBND huyện Kon Rẫy cũng phải đối mặt với thách thức tương tự khi không có mặt bằng để thi công dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Mặc dù đã giải ngân được một phần nhỏ so với kế hoạch, nhưng vấn đề mặt bằng khiến họ phải đề xuất chuyển vốn sang các dự án khác.
Ông Trần Công Thức - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Kon Rẫy thông báo rằng, đến giữa tháng 11, Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang chỉ giải ngân được 2,5 tỷ đồng, đạt chỉ 10,15% so với kế hoạch vốn. Nguyên nhân chính là vấn đề mặt bằng thi công, đặc biệt là diện tích rừng, khiến tiến độ gặp khó khăn.
Cụ thể, gói thầu 01 vướng vào diện tích đất rừng là 13,85ha nên một số vị trí chưa thể triển khai do đang chờ văn bản của Chính phủ. UBND huyện đang trình cấp có thẩm quyền để xin điều chuyển 18 tỷ đồng nguồn vốn sang các công trình hoặc dự án khác trong tỉnh có nhu cầu vốn.
Nguồn vốn chưa được giải ngân đúng tiến độ cũng là một nguyên nhân lớn khiến nhiều dự án gặp khó khăn. Tính đến tháng 10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum mới chỉ đạt khoảng 40%, làm tăng nguy cơ nhiều dự án phải đối mặt với khả năng trả lại vốn.
Bá Tứ
Theo