Chủ nhật 22/12/2024 00:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chậm nộp đề nghị, doanh nghiệp sẽ mất quyền lợi được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

16:09 | 14/06/2020

Tính đến nay, Tổng cục thuế mới chỉ tiếp nhận được 138.842 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế (đạt khoảng 20%). Trong khi thời hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất phải hoàn tất trước ngày 30/7.

cham nop de nghi doanh nghiep se mat quyen loi duoc gia han nop thue va tien thue dat
Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong bối cảnh hiện nay được xem là giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA): Doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý gần hết hạn mới đổ xô đi làm. Ví dụ quyết toán thuế, doanh nghiệp có thể làm thủ tục từ ngày 1/1 đến 31/3 hằng năm nhưng đa số người nộp thuế cứ để đến đầu tháng 3, thậm chí cuối tháng 3 mới dồn dập kéo đến cơ quan thuế làm thủ tục quyết toán thuế khiến bộ phận tiếp nhận nộp thuế luôn bị quá tải. Tuy nhiên gần đây, việc làm thủ tục quyết toán thuế qua mạng Interet cũng đã khắc phục được tình trạng này.

“Việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP rất đơn giản. Người nộp thuế không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, mà có thể gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bưu điện. Do thời hạn cuối cùng theo Nghị định là ngày 30/7 nên các doanh nghiệp, người nộp thuế vẫn ung dung. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp có thể sẽ bị mất quyền lợi. Doanh nghiệp cần phải làm ngay giấy đề nghị gia hạn và cần phải bỏ thói quen ‘nước đến chân mới nhảy”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Trước nhiều ý cho rằng, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng hiện nay theo Nghị định là quá ít, thay vào đó nên gia hạn cả năm. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, theo Nghị định 41, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 5 tháng đối với 3 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh theo tháng hoặc theo quý bắt đầu từ tháng 3, 4, 5, 6/2020 (quý I, quý II/2020). Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gia hạn là khá rộng, không chỉ thuế TNDN tạm nộp của quý I và quý II/2020, Nghị định 41 còn đề cập đến cả thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm 2019.

Đại diện VTCA cho rằng: Doanh nghiệp muốn được gia hạn nộp thuế dài hơn, được miễn giảm thuế nhiều hơn và được hỗ trợ cao nhất để giảm thiểu khó khăn cũng là mong muốn tất yếu trong bối cảnh COVID-19 vừa qua khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Cúc, dịch COVID xảy ra, doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước, cụ thể ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng rất khó khăn. Mặc dù số thu ngân sách bị sụt giảm nhưng Nhà nước vẫn phải chi rất nhiều khoản, trong đó có khoản cho phòng, chốg dịch bệnh, khắc phục hậu quả.

Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế bằng cách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế, phí, lệ phí… Lẽ ra số tiền hỗ trợ theo Nghị định 41 là 180.000 tỷ đồng nộp vào NSNN, nhưng do được gia hạn nên doanh nghiệp được dùng số tiền đó để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, không phải vay ngân hàng thì rõ ràng là bớt khó khăn đi rất nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), sau hơn 2 tháng thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41, đến nay mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tham gia.

Lý giải số doanh nghiệp đăng ký, kê khai xin gia hạn thuế đạt tỷ lệ thấp, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay: Khi triển khai Nghị định 41, ngành thuế đã triển khai nhiều kênh, hầu hết NNT đều nắm bắt được chính sách và nếu thuộc diện được gia hạn thì sẽ đăng ký. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm hồ sơ gia hạn rất thấp bởi họ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020.

Theo Tổng cục Thuế, không phải tất cả doanh nghiệp đều nằm trong diện được gia hạn thuế, phát sinh nghĩa vụ thuế. Vì thế, đa số doanh nghiệp có số thuế phát sinh lớn mới làm thủ tục gia hạn. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp lựa chọn nộp đúng tiến độ, tránh để dồn lại vào cuối năm.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Để người dân và doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện quyền lợi của mình, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất theo quy định của Nghị định 41 đến người nộp thuế.

“Tại từng địa bàn quản lý thuế, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định. Với việc tuyên truyền đa dạng, thường xuyên nên người nộp thuế đã tiếp cận được và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế”, ông Nguyễn Đức Huy nói.

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay: Số giấy đề nghị gia hạn, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn sẽ được cập nhật liên tục khi người nộp thuế tiếp tục nộp giấy đề nghị gia hạn, nộp tờ khai thuế GTGT của tháng 5 và tháng 6, thuế GTGT quý II và tiền thuê đất kỳ I/2020. Cơ quan thuế cung sẽ thông báo cho người nộp thuế kịp thời đối với những giấy đề nghị gia hạn không đủ điều kiện được gia hạn tiền thuê và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41.

Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn theo nhiều cách như: Thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, qua bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế.

“Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin vận hành thông suốt 24/7, tạo điều kiện để người nộp thuế có thể nộp giấy đề nghị gia hạn mọi lúc, mọi nơi”, ông Phi Vân Tuấn nói.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load